Mở lối cho người nước ngoài mua nhà

Theo Dự thảo Luật Nhà ở, người nước ngoài sẽ được mua tối đa 30% số lượng căn hộ, lô nhà trong một dự án được bán cho người nước ngoài. Cùng với đó, dự thảo luật cũng cho phép Việt kiều được mua không hạn chế số lượng căn hộ, lô nhà tại các dự án. Nếu dự thảo được thông qua, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ có thêm cơ hội phục hồi.


Khách hàng tiềm năng


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, với hơn 4 triệu người Việt ở hầu hết các nước trên thế giới, tập trung nhiều nhất tại Hoa Kỳ, hàng năm lượng kiều hồi gửi về nước đạt trên 10 tỷ USD. Chưa kể, nguồn vốn đầu tư của Việt kiều vào các dự án trong nước cũng đã lên đến khoảng 10 tỷ USD. Bên cạnh đó, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hiện rất đông và ngày càng tăng. Do đó, nhu cầu mua nhà tại Việt Nam của các đối tượng này để ở và đầu tư kinh doanh là rất lớn.

 

Mở rộng quy định cho Việt kiều, người nước ngoài được mua nhà sẽ góp phần phục hồi thị trường bất động sản.

 


Đầu tháng 4 vừa qua, HoREA đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh và Bộ Xây dựng nên cho Việt kiều và người nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước bởi đó là những đối tượng khách hàng tiềm năng. Thực tế cho thấy, trong dịp Tết vừa qua, nhiều sàn giao dịch BĐS đón tiếp rất nhiều khách Việt kiều và người nước ngoài đến tham quan các dự án. Phần lớn các đối tượng đến xem này đều quyết định mua. Điển hình như sàn giao dịch BĐS Novaland đã bán 50 căn hộ cho Việt kiều. “Tuy nhiên, các đối tượng này đều phải nhờ người khác đứng tên do vướng mắc về thủ tục mua nhà. Còn số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam còn ít vì quy định còn khá chặt chẽ”, một nhân viên của sàn giao dịch BĐS Novaland cho biết.


Thừa nhận thực tế trên, bà Dương Thùy Dung, Phó Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển CBRE, cho hay, kể từ khi thực thi Nghị quyết 19 năm 2009 đến nay, mới chỉ có hơn 100 người trong số 80.000 người nước ngoài (không bao gồm Việt kiều) đang sống và làm việc ở Việt Nam được mua nhà. Phần lớn những người này kết hôn với công dân Việt Nam, số còn lại đầu tư trực tiếp vào Việt Nam hoặc giữ vị trí quản lý trong doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp nước ngoài được mua căn hộ còn ít hơn, chỉ có 25 doanh nghiệp. Nguyên nhân là do quy định hiện hành có quá nhiều điều kiện ràng buộc. Giá mua nhà quá cao so với chi phí thuê nhà cũng khiến các tổ chức nước ngoài vẫn chuộng hình thức thuê hơn là mua.


Băn khoăn nới điều kiện mua nhà


Theo dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, độ mở của luật đã khá rộng với các đối tượng này. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở, bao gồm: căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ gắn với quyền sử dụng đất ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu. Cá nhân người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm. Đối tượng này có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu có nhu cầu.

Trong khi chuyện mở và mở tới đâu với người nước ngoài, Việt kiều khi được mua nhà tại Việt Nam còn chưa ngã ngũ thì Luật Quốc tịch Việt Nam quy định từ 1/7/2014 lại “đá chéo” với Luật Nhà ở. Theo Điều 13, khoản 2 của Luật Quốc tịch Việt Nam, nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài (mà chưa mất quốc tịch Việt Nam) không đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch thì nghiễm nhiên người đó sẽ mất quốc tịch Việt Nam. Thế nhưng, số đối tượng Việt kiều đăng ký giữ quốc tịch lại quá ít ỏi, chỉ có 6.000 người. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng trước khi “mở” quy định về Luật Nhà ở, cần gỡ “nút thắt” về Luật Quốc tịch. Nếu không, các quy định “đụng” nhau, sẽ khó thực hiện được.


Bà Dương Thùy Dung cho rằng, việc gỡ bỏ những quy định hạn chế người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam là một tin tốt lành. Nếu luật sửa đổi này được thông qua, sẽ thu hút một lượng lớn nguồn tiền nước ngoài vào thị trường bất động sản, nhưng không thể trở thành nguồn vốn chính cho Việt Nam. Theo CBRE, người nước ngoài nên được xem là nhóm đối tượng mở rộng hợp lý của một thị trường đã phát triển, chứ không hẳn là một biện pháp “chữa cháy” khi thị trường đang thừa BĐS cao cấp.


Nhiều ý kiến còn băn khoăn cho rằng, việc nới điều kiện cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà sẽ đẩy giá BĐS tăng cao, khiến cho người dân trong nước khó tiếp cận với nhà giá thấp. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, sản phẩm BĐS của Việt Nam có rất nhiều phân khúc gồm thấp cấp, trung cấp và cao cấp đối với căn hộ; còn đối với nhà thì có nhà phố, nhà liền kề, biệt thự đơn lập và song lập. Phân khúc của Việt kiều và người nước ngoài lựa chọn đa phần sẽ là trung và cao cấp, bởi họ có thu nhập cao và ổn định. Mặt khác, để loại trừ tình trạng đầu cơ, Chính phủ nên cân nhắc tăng thuế chuyển nhượng BĐS, có như vậy thị trường mới minh bạch, lành mạnh. Bên cạnh đó, cũng nên có quy định cho Việt kiều hay người nước ngoài không được mua nhà ở tại các khu vực đặc biệt; hạn chế về số lượng nhà ở được mua trong một khu vực; hạn chế số lượng căn hộ được mua trong một tòa nhà chung cư… để tránh hình thành những khu vực biệt lập hoàn toàn chỉ có người nước ngoài sinh sống.


Bài và ảnh: Hải Yên

Đại gia bất động sản phía Nam 'Bắc tiến'
Đại gia bất động sản phía Nam 'Bắc tiến'

Kết hợp cùng nhiều chủ đầu tư BĐS uy tín phu vực phía Nam, Savills Việt Nam tổ chức sự kiện Giới thiệu các dự án BĐS TP.HCM tại Hà Nội ngày hôm nay (19/4). Đây là cơ hội để người dân phía Bắc có điều kiện tiếp cận và đầu tư các dự án BĐS khu vực phía Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN