2017 - Năm của condotelNăm 2017, Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng đến 30% năm 2016 và đạt con số kỉ lục từ trước đến nay. Việt Nam cũng lọt Top 10 thị trường tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Con số này ngay cả những người lạc quan nhất cũng chưa dám nghĩ đến hồi đầu năm.
Tỷ trọng condotel theo mức giá. Nguồn: HH BĐS Việt Nam |
Khách du lịch đến Việt Nam ngày một tăng và yêu cầu đặt ra là họ cần được hưởng thụ những dịch vụ tốt nhất dựa trên những đặc điểm thiên nhiên là thế mạnh của Việt Nam. Đặc biệt, thiên nhiên ưu đãi cho Việt Nam một đường bờ biển dài hàng nghìn km từ Bắc vào Nam với nhiều bãi tắm đẹp tuyệt vời. Khách quốc tế đến đó không chỉ để ngắm cảnh mà họ cần được nghỉ dưỡng trong những căn hộ sang trọng với dịch vụ tốt.
Đây là điều kiện thuận lợi cho loại hình condotel (phòng khách sạn nghỉ dưỡng được thiết kế như một căn hộ với đầy đủ phòng ngủ, bếp ăn...) phát triển.
Năm 2018, Việt Nam đặt mục tiêu đón 15 triệu lượt khách quốc tế. Cùng với sự giàu lên của khách du lịch Việt, nhu cầu về bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel sẽ vẫn chưa thể hạ nhiệt trong năm nay.
Tỷ trọng condotel theo từng tỉnh thành. |
Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: Một số địa phương có số căn condotel mở bán mới nhiều nhất trong năm qua là Khánh Hòa (hơn 11.800 căn), Đà Nẵng (hơn 7.000 căn)... Loại hình condotel tuy mới xuất hiện ở Quảng Ninh chưa lâu song đang phát triển khá nhanh và trở thành xu hướng đầu tư BĐS mới tại đây. Trong năm 2017, có hơn 1.300 căn condotel mở bán trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thuộc dự án của 2 chủ đầu tư BĐS nghỉ dưỡng lớn là FLC và BIM Group.
Vẫn tranh cãi tính pháp lýMặc dù phát triển với tốc độ rất nhanh song khung pháp lý cho loại hình condotel vẫn còn nhiều bất cập. Từ đó nảy sinh những tranh cãi trong quá trình quản lý.
Tại diễn đàn "Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018" được tổ chức hồi đầu năm, trao đổi về phân khúc căn hộ khách sạn - condotel, phân khúc hút tới 60% lượng tiền đổ vào BĐS năm qua, các chuyên gia cho rằng, chính sách quản lý còn chưa theo kịp.
Dự án FLC Sầm Sơn - một trong những dự án condotel thành công của Tập đoàn FLC. |
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện nay có hai luồng quan điểm. Thứ nhất, coi condotel là một dạng nhà ở. Quan điểm thứ hai coi đó là một công trình kinh doanh dạng du lịch không phải nhà ở.
Quy định nhà nước là cấm sử dụng căn hộ nhà ở cho các mục đích khác, ngoài để ở. Như vậy, hiện nay, pháp luật chưa công nhận condotel là nhà ở, Luật Đất đai cũng chưa công nhận. Đối với căn hộ thì khi chúng ta mua sẽ được sở hữu lâu dài, nhưng nếu không phải nhà ở thì chỉ được sở hữu theo thời hạn dự án, 50 hay 70 năm.
Theo Luật Du lịch, căn hộ du lịch hay biệt thự du lịch là các cơ sở lưu trú chứ không phải nhà ở. "Chúng tôi đã có những báo cáo với Chính phủ về vấn đề này và đang tiếp tục thảo luận, xác định quan điểm như thế nào. Nếu không xác định rõ khái niệm này thì năm 2018 sẽ xảy ra nhiều bàn cãi, tranh luận, gây rủi ro không đáng có cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức", ông Khởi cho hay.
Với góc độ doanh nghiệp kinh doanh BĐS, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC - một chủ đầu tư có nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng, đồng tình rằng loại hình này có thể ghép vào dịch vụ kinh doanh du lịch, nhưng ông Quyết không đồng ý với ý kiến cho rằng pháp luật không rõ ràng về mô hình kinh doanh căn hộ condotel.
"Nếu nói luật chưa rõ ràng về vấn đề này, tôi cho rằng không đúng. Bởi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS chưa đề cập thì chúng ta có thể áp dụng Luật Dân sự. Thực tế trước đây nhiều chủ đầu tư đã được tư vấn theo hướng này. Bộ luật Dân sự lớn hơn nhiều Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Nếu không có luật này thì không có chuyện dòng tiền lớn đổ vào condotel như thời gian qua", ông Quyết cho hay.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, trên thực tế, một số địa phương hành xử khác nhau với condotel. Như trường hợp của Khánh Hoà, chính quyền không có quyền cấm người ta đến ở trong tài sản của người ta, thậm chí khi người ta không đăng ký hộ khẩu. Để tránh những hành xử khác biệt giữa chính quyền các địa phương thì về mặt quản lý nhà nước phải có hướng dẫn để tạo ra sự hành xử thống nhất: cái gì dựa trên Luật Dân sự, cái gì dựa trên Luật Đất đai...
"Vấn đề quan trọng là ta phải xác định nên quản lý chặt hay nên phát triển kinh tế du lịch? Muốn phát triển kinh tế du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải tạo điều kiện để thu hút dòng tiền vào khu vực này. Nếu địa phương giao đất vô thời hạn giống như đất ở thì chủ đầu tư có thể bán lại từng phần, từng căn hộ vĩnh viễn như đất ở. Địa phương giao đất cho chủ đầu tư, chủ đầu tư giao dịch với các nhà đầu tư theo hợp đồng và như vậy thì không có gì phức tạp và cũng không có gì để thảo luận nhiều", chuyên gia này nêu ý kiến.
Ông Đặng Hùng Võ trao đổi với phóng viên. |
Ông Võ khẳng định: Nếu áp dụng ngay được thì vốn đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng năm 2018 sẽ tăng, không phải là con số 60% như năm 2017. Đồng thời không còn tình trạng hiểu sai, gây tranh chấp về vấn đề căn hộ condotel.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Đặng Hùng Võ cho biết, condotel hay cái gì đi nữa, home-stay, shophouse... thì đều gọi là những hàng hóa BĐS du lịch nghỉ dưỡng mới. Ở Thái Lan, một căn hộ để ở bình thường cũng có thể biến thành căn hộ cho thuê du lịch, chủ sở hữu tự đứng ra kinh doanh hoặc ủy quyền cho ai đó... Như vậy, khi cầu về du lịch phát triển thì hình thức của BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ càng phong phú.
"Do vậy, chúng ta đừng đi giải thích loại BĐS du lịch nghỉ dưỡng này tên là gì, mà hãy dựa vào khung pháp lý hiện tại, thống nhất cách thực thi pháp luật với tất cả địa phương, để các địa phương không làm mỗi nơi một kiểu", ông Võ nói.
Trong khi dòng tiền trên thị trường BĐS vẫn đang tiếp tục đầu tư vào condotel thì xem ra các nhà đầu tư vẫn còn phải chờ đợi quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về phương thức quản lý loại hình này.