Chiều 19/10, đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Cầu tín dụng trong 9 tháng năm 2015 có dấu hiệu tăng “nóng”, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát và “bong bóng” bất động sản trong giai đoạn tới.
Sức ép lên mặt bằng lãi suấtTheo VEPR, nhu cầu đang tăng cao trên thị trường vốn - tín dụng. Tính đến tháng 9/2015, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tốc độ 7% cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng có tốc độ cao hơn huy động đã tạo sức ép nên mặt bằng lãi suất huy động. Gần đây, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng 0,2-0,5% lên sát mức trần 5,5% quy định cho tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng.
Tín dụng tăng quá "nóng" sẽ tạo sức ép về giá và lãi suất. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN |
Bên cạnh đó, cung tiền được gia tăng qua kênh thị trường mở để bù đắp lượng tiền đồng thu về qua nghiệp vụ bán ngoại tệ. Trong khoảng thời gian từ ngày 11/8 (thời điểm Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ) đến cuối tháng 9/2015, khoảng 118.000 tỷ đồng được đưa ra lưu thông từ lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đáo hạn để cung cấp thanh khoản cho thị trường.
Điểm đáng lưu ý trên thị trường tiền tệ trong 9 tháng năm nay là việc Bộ Tài chính đã đẩy mạnh phát hành tín phiếu kho bạc Nhà nước với tổng khối lượng phát hành trên 20.000 tỷ đồng sau khi không thành công với các kỳ hạn dài trên 5 năm. Đây là diễn biến bất thường không xảy ra trong nhiều năm gần đây, phản ánh sự khó khăn trong việc phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài.
Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR đề xuất: Chính sách điều hành tiền tệ cần thận trọng hơn, kiểm soát chặt chẽ cung tiền phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa. Bởi tăng trưởng tín dụng quá cao so với tăng trưởng GDP danh nghĩa sẽ sớm gây sức ép lên mặt bằng giá và các mức lãi suất. Nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ.
Theo báo cáo Quý 3/2015 của VEPR cũng nêu: Thị trường tài chính đã ổn định, cần để lãi suất xác định theo tương quan thị trường. Việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng (5,5%/năm) dẫn đến khó khăn cho hoạt động thu hút tiền gửi của các ngân hàng thương mại; đồng thời làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn.
Thận trọng với bất động sản, tỷ giá
VEPR cũng khuyến nghị: Cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành “bong bóng” bất động sản có tính chu kỳ. Tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng, gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. Khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản.
"Chúng tôi cho rằng cơ chế tỷ giá hiện không phù hợp với hoàn cảnh mới của kinh tế trong nước cũng như thế giới," ông Thành khẳng định. Theo VEPR, cơ chế tỷ giá điều chỉnh thiếu linh hoạt không có khả năng bảo vệ ổn định vĩ mô nội tại và khu vực sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp dòng vốn nóng chảy vào Việt Nam sau Hiệp định TPP như trường hợp gia nhập WTO năm 2007.