Nhà đầu tư ngoại quan tâm bất động sản Việt Nam do kinh tế khởi sắc

Điều đó thể hiện qua các giao dịch mua bán - sáp nhập sôi động trên thị trường bất động sản thời gian qua, cũng như các dự án mới được nhà đầu tư ngoại rót tiền.

Kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2018 và có thể mở rộng đà phát triển trong nửa cuối năm 2018. Nhờ đó, Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư ngoại. TP Hồ Chí Minh nổi bật trong danh sách chọn lựa của các nhà đầu tư, đảm bảo vị trí hàng đầu cho triển vọng thu hút vốn và phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nâng cao và lượt khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, các nhà đầu tư cũng tìm kiếm các địa điểm phát triển và sở hữu trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng. Tập đoàn khách sạn Mikazuki của Nhật Bản công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào một dự án ở Đà Nẵng. Trong khi đó, Bamboo Capital, một công ty đầu tư có trụ sở tại Việt Nam đã mua lại dự án khu nghỉ mát Malibu với giá khoảng 14,8 triệu USD từ Công ty TNHH Indochina Hội An Beach Villas.

Các nhà đầu tư ngoại quan tâm đến mảng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam.

Mới đây, Dự án X2 Hội An tại Điện Bàn, Quảng Nam do Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Mỹ Việt triển khai cũng đã được ra mắt, được vận hành bởi tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế BHMA (thành viên của Flight Centre Group, một trong những công ty lữ hành hàng đầu thế giới). Đây là dự án biệt thự nghỉ dưỡng với thiết kế độc đáo.

Thị trường bất động sản cũng thu hút các nhà phát triển nước ngoài quan tâm đến các dự án bất động sản nhà ở tại các thành phố lớn. Vào tháng 3, CapitaLand mua lại khoảng 0,9 ha tại một vị trí đắc địa ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án này bao gồm một khu dân cư 0 căn hộ, khoảng 21.400 m2 diện tích văn phòng và hơn 19.300 m2 diện tích bán lẻ. Thương vụ này mở rộng danh mục đầu tư của CapitaLand lên đến 12 khu phát triển dân cư, 1 khu phát triển tích hợp và 21 khu nhà ở dịch vụ, trải dài trên khắp 6 thành phố của Việt Nam.

Keppel Land, một nhà phát triển Singapore khác cũng đã thâu tóm 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited, cùng kế hoạch xây dựng một cộng đồng – Saigon Sports City – với khoảng 11,4 triệu USD. Với diện tích 64 ha, thành phố nhỏ này sẽ bao gồm khoảng 4.300 căn nhà cao cấp và trung tâm sống lý tưởng hàng đầu Việt Nam với đầy đủ cơ sở vật chất cho thể thao, giải trí, mua sắm và ăn uống.

Theo TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập đang được triển khai bởi phần lớn các nhà đầu tư châu Á. Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đang là những nhà đầu tư dẫn đầu về hoạt động ở khắp các phân khúc tại thị trường bất động sản Việt Nam.

Các nhà đầu tư ngoại thường chọn cách đầu tư thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước. Đối với họ, một thị trường hơn 100 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể là một cơ hội vô cùng hấp dẫn. Mỗi nhà đầu tư lại chọn một lĩnh vực đầu tư khác nhau trong thị trường bất động sản.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang dẫn đầu về đầu tư FDI cho Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng.

Trong khi Singapore (với các tên tuổi như Capitaland hay Keppel Land) tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ, nhà ở thì các nhà đầu tư Hàn Quốc lại ưa chuộng mảng bán lẻ, với hàng loạt các dự án siêu thị đồng giá, trung tâm thương mại tập trung tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.

Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, thị trường Việt Nam được chú ý bởi sức hấp dẫn từ dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh. Họ đẩy mạnh xu hướng đầu tư văn phòng và gần đây là sự tham gia vào lĩnh vực bất động sản nhà ở. Theo các công ty Nhật, tốc độ phát triển kinh tế và nguồn lao động dồi dào của Việt Nam chính là những nguyên nhân thuyết phục họ đẩy mạnh đầu tư vào mảng văn phòng, với những kì vọng vào khả năng phát triển lâu dài, bền vững của dự án. 

Tính đến quý2/2018, GDP của Việt Nam đạt mức tăng 7,08%, mức tăng cao nhất trong 6 tháng kể từ năm 2011. Tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2018 được dự đoán sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, nếu năng lực và tiềm năng hiện tại được tận dụng hết thì có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2018.

Tính đến tháng 6/2018, tổng vốn FDI cam kết đạt gần 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017. FDI giải ngân đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4%. Nhật Bản dẫn đầu với 6,47 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ hai với 5,08 tỷ USD và Singapore vị trí thứ ba với 2,39 tỷ USD.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Cân nhắc thận trọng khi đầu tư bất động sản
Cân nhắc thận trọng khi đầu tư bất động sản

Qua số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư và sàn giao dịch bất động sản, trong 2 quý đầu năm 2018 có khoảng 6.650 giao dịch thành công; giá bất động sản ít biến động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN