Nhiều bất cập trong Luật Đất đai 2013

Luật Đất đai 2013 chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014, đã giải quyết được nhiều hạn chế, vướng mắc trong quản lý đất đai, tuy nhiên, sau một năm triển khai, luật đã bộc lộ nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Chênh giá đất đền bù

Ông Lại Đức Thành, một nông dân tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam là tỉnh giáp ranh với Hà Nội nhưng giá đền bù thu hồi đất ở Hà Nam thấp nhất trong số 6 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Từ năm 2009 đến nay, giá đền bù cho 1 m2 đất nông nghiệp ở Hà Nam là 40.000 đồng, tổng cộng cả nội dung đền bù đi kèm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề… thì sẽ được đền bù 49 triệu đồng/sào. “Giá 1 m2 đất chỉ bằng một bát phở, trong khi đó, nếu doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân thì giá đền bù thường khoảng 100 triệu đồng/sào, một khoảng cách quá xa giữa Nhà nước và Doanh nghiệp. Nhà nước cần quan tâm đến lợi ích người dân, quy định rõ giá đất đền bù cần sát giá thị trường và từng vùng miền”, ông Thành nói.

Người dân đến làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Nghệ An. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN.



Vấn đề đền bù đất cũng là vướng mắc ở nhiều địa phương. Theo Luật Đất đai 2013, đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp và hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tạo việc làm theo quy định (không còn khoản hỗ trợ 30% giá đất ở trung bình của khu vực). Điều này đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ có tổng kết sơ kết thi hành luật, nếu có vướng mắc sẽ đưa vào một nghị định mới để giải quyết”.

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Đất đai.

Cùng với đó, theo quy định, Nhà nước thu hồi, bồi thường, giải tỏa đất đối với các công trình công; còn các doanh nghiệp lấy đất kinh doanh thì tự thỏa thuận, thương lượng đền bù cũng khiến nhiều địa phương bị “vướng”. Đơn cử như Hà Nội hiện có khoảng 80% các dự án do chủ đầu tư chịu trách nhiệm thu hồi đất, phải tự thương lượng với người dân, gây phát sinh nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Do vậy, nếu không có những quy định cụ thể tháo gỡ cho những trường hợp không đạt thỏa thuận trong đền bù, chuyển nhượng thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hàng loạt dự án trên địa bàn.

Ông Bùi Khắc Vư, Liên minh đất đai (Landa) cho biết, qua kết quả tham vấn ý kiến người dân và quản lý tại nhiều địa phương trong cả nước khi thực thi Luật Đất đai 2013, nhóm nghiên cứu của Landa đã chỉ ra nhiều điểm bất cập với 4 nhóm nội dung cơ bản như: quy hoạch phát triển kinh tế vùng, thời gian xác định giá đất tái định cư kéo dài do nhiều ảnh hưởng đến đền bù, văn bản không thống nhất, chồng chéo; chênh lệch giữa giá đền bù đất do Nhà nước thu hồi và dự án do doanh nghiệp thu hồi, giá đất chênh lệch giữa các địa phương cùng đất nông nghiệp, thủ tục cấp giấy chứng nhận đất phức tạp, áp dụng thủ tục hành chính, xử lý vi phạm còn khó khăn…

“Vênh” giữa luật và văn bản hướng dẫn

Theo đánh giá của nhiều địa phương, giữa Luật và văn bản hướng dẫn thi hành Luật đang có độ “vênh”. Cụ thể như, điều 105 Luật quy định về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), UBND tỉnh được ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường, không quy định được cấp GCN cho cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên tại Điều 37, Nghị định 43/2014/NĐ- CP về hướng dẫn thi hành lại quy định được cấp GCN cho cá nhân nước ngoài. Hoặc như Điều 114 của Luật, không quy định giá đất cụ thể để tính giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Điều 15 của Nghị định 44/2014/NĐ- CP lại quy định giá đất cụ thể làm căn cứ để xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất…

Liên quan đến nhóm các vấn đề trong việc xử lý vi phạm đất đai, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn vì Điều 71 Luật Đất đai 2013 chỉ quy định cưỡng chế thực hiện đối với trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư mà không quy định việc cưỡng chế thu hồi đất vi phạm pháp luật đất đai.

Luật sư Lê Đức Tiết, nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, bất cập lớn nhất của chính sách trong thu hồi đất là không đưa ra được căn cứ nào để định giá đất, nói cách khác là căn cứ để xác định giá không rõ ràng. Đồng thời, khi thu hồi đất, không chỉ là tiền đền bù mà còn phải tính đến sinh kế cho người dân.

Một chuyên gia khác dẫn ra vấn đề bất cập trong hỗ trợ tái định cư, khi ở Hà Nội, chính sách hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất đi học nghề là 7 triệu đồng, nhưng thực chất, số tiền này không đủ để học được một nghề, do vậy, cần có chính sách tái định cư gắn liền với chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân.

Trước những bất cập khi triển khai Luật Đất đai 2013 trong thực tế, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Luật Đất đai mới cùng hệ thống nghị định, thông tư mới cần có thời gian để luật đi vào cuộc sống. “Trước kiến nghị của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục lắng nghe, thực hiện sơ kết thi hành Luật Đất đai 2013, trên cơ sở đó mới tìm ra được đâu là vấn đề thực sự vướng, cần tháo gỡ, ông Chính cho biết.
Thu Trang
Nhiều vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Đất đai 2013
Nhiều vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Đất đai 2013

Qua hơn 1 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 tại Hà Nội, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập cần khắc phục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN