Song, khi thời điểm gói hỗ trợ này chuẩn bị kết thúc, nhiều người dân thu nhập thấp ở đô thị ngậm ngùi, đứng trước khả năng phải bỏ dở “giấc mơ an cư”. Mong muốn lớn lao của nhiều khách hàng và cả chủ đầu tư hiện nay là có thêm những gói tín dụng ưu đãi tiếp nối “chiếc đũa thần” 30 nghìn tỷ để hiện thực hóa giấc mơ có được một mái ấm ổn định và phù hợp.
Hai đầu nỗi lo
Theo nghiên cứu về thị trường nhà ở của Bộ Xây dựng cho thấy, trong số những người có nhu cầu về nhà ở có đến 80% người dân không đủ khả năng tự mình chi trả theo cơ chế thị trường. Đây chính là lý do khiến các dự án nhà ở xã hội được quan tâm hơn bao giờ hết trong hơn 2 tháng qua. “Sức nóng” càng tăng mạnh khi ngân hàng dừng ký hợp đồng tín dụng mới từ 31/3/2016, khiến nhiều người cảm thấy tuyệt vọng khi đang trông đợi vào nguồn vốn vay ưu đãi này.
Anh Nguyễn Xuân Trường, một công chức quận Nam Từ Liêm chia sẻ: Gia đình anh phải dành dụm từ rất lâu mới chuẩn bị đủ nguồn tài chính ban đầu để đăng ký mua nhà ở xã hội. Đang khấn phởi vì sắp được cải thiện chỗ ở, nhưng từ khi biết gói 30 ngàn tỷ đã kết thúc ký hợp đồng vay mới khiến anh Trường cũng như nhiều gia đình khác vô cùng buồn, không biết có còn cơ hội nào để có thể mua được một căn nhà nhỏ, anh Trường bày tỏ.
Dự án NOXH tại khu DTM Tứ Hiệp do Cty CP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí làm chủ đầu tư, hiện đã hoàn thành đưa vào sử dụng với đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội |
Tâm trạng của anh Trường cũng là tâm trạng chung của hàng trăm người dân, nhất là các cán bộ viên chức trẻ Thủ đô đang rất lo lắng nếu không được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ vay vốn ưu đãi mua nhà. Bởi với lãi suất vay thương mại dao động quanh mức 11-12%/năm sẽ là áp lực quá lớn và chắc chắn nhiều người thu nhập thấp bỗng chốc tuột khỏi tay cơ hội an cư. Trong khi đó, không ít người đã ký hợp đồng mua nhà tại một số dự án nhưng mới ở giai đoạn xây thô cũng có tâm lý chán nản, liên tục “cầu cứu” chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để tận dụng tối đa điều kiện ưu đãi trước ngày gói tín dụng “đóng cửa”, thậm chí có người còn đang nghĩ cách trả lại nhà nếu phải chịu lãi suất thương mại vì họ không có khả năng thanh toán.
Không chỉ có những nỗi lo từ những người có nhu cầu ở, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô cũng rất quan ngại.
Theo đại diện Lãnh đạo Công ty Cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu Khí, (chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Tứ Hiệp), sau gần 3 năm triển khai hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội cho toàn bộ dự án, đến nay, Công ty đã bàn giao, đưa vào sử dụng gần 800 căn nhà ở xã hội với giá bán tương đối hợp lý, chất lượng đảm bảo phục vụ cán bộ công chức có thu nhập thấp của Bộ Tài chính và các đối tượng thu nhập thấp khác. Dự kiến quý 3/ 2016, dự án sẽ tiếp tục khởi công 03 công trình nhà ở xã hội với 454 căn hộ để bán và cho thuê.
Từ thực tế tiếp xúc với rất nhiều khách hàng mua nhà ở xã hội tại dự án, lãnh đạo Công ty này cho biết, có tới hơn 90% khách hàng phải vay gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ (với nhu cầu vay từ 70 - 80% tổng giá trị Hợp đồng mua nhà). Nếu gói vay ưu đãi này kết thúc, không những người dân thu nhập thấp có nhu cầu ở thực sẽ rất khó khăn về nguồn tài chính để mua nhà mà phía doanh nghiệp cũng lo lắng cho “đầu ra” tiếp theo của dự án.
Tương tự, dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (huyện Quốc Oai) do Tập đoàn CEO Group làm chủ đầu tư hay dự án nhà ở xã hội The Vesta (quận Hà Đông) của Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát với tổng số gần 2500 căn hộ, hiện đã và đang chuẩn bị hoàn thành, nhưng đến nay cũng do ảnh hưởng từ việc dừng gói 30 nghìn tỷ nên phần lớn khách hàng chưa dám ký chưa ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư.
Cần thêm một “chiếc đũa thần”
Rõ ràng, không chỉ hàng trăm ngàn người dân nghèo chưa có nhà đang chờ đợi, mà ngay cả các chủ đầu tư thuộc phân khúc nhà ở bình dân và nhà ở xã hội cũng rất cần sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước để có thể đưa sản phẩm với giá hợp lý đến với nhu cầu của số đông.Chính vì vậy, bên cạnh niềm vui của những người đã được vay gói 30 nghìn tỷ, nên chăng các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu để có một chính sách hỗ trợ xuyên suốt, giúp người thu nhập thấp cải thiện nhà ở.
Ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hồng Hà Dầu khí khẳng định, từ gói 30 nghìn tỷ có thể thấy rõ sự hỗ trợ của Chính phủ đối với người thu nhập thấp là rất quan trọng và thiết thực. Doanh nghiệp không chỉ cần ưu đãi về thuế, có đất sạch hay thủ tục nhanh gọn, mà còn cần được ưu đãi lãi suất vốn vay để đưa ra thị trường những sản phẩm với mức giá phù hợp, nếu không sẽ rất khó khăn. Vì vậy, Nhà nước nên có một chiến lược, chính sách tín dụng dài hạn cho lĩnh vực nhà ở xã hội, chứ không nên dừng ở một gói nào đó hay ở một thời điểm nhất định.
“Doanh nghiệp cũng có thể hỗ trợ được cho khách hàng nhưng chỉ phần nào bởi tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội các doanh nghiệp đã bị khống chế lãi suất ở mức 10%. Không được vay vốn ưu đãi thì doanh nghiệp dù có áp dụng mọi biện pháp tiết kiệm để giảm chi phí, song giá bán chắc chắn sẽ cao hơn, dẫn đến người mua phải 2 lần chịu thiệt khi vừa phải mua giá cao, vừa phải chịu lãi suất thương mại. Như vậy, người có thu nhập thấp không thể kham nổi khi hàng tháng phải trả ngân hàng cả gốc lẫn lãi từ 9 – 10 triệu đồng”, ông Đức nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, một số chủ đầu tư nhà ở xã hội cho rằng, phát triển nhà ở xã hội là một chiến lược dài hơi đã được đưa vào Luật và trong Nghị định. “Nếu không có những gói hỗ trợ tương tự như gói 30 nghìn tỷ thì khổ nhất vẫn là người mua nhà. Bên cạnh đó cũng sẽ khó thu hút doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Bỏ vốn xây nhà lên mà không bán được thì ai muốn tham gia”, lãnh đạo Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát chia sẻ.
Còn theo các chuyên gia tài chính, với mức lãi suất 5% thì ngân hàng cũng có lợi và người đi mua nhà có điểm tựa về tài chính để trả nợ dần. Điều đó không những góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội mà còn tạo đầu ra ổn định, rõ ràng cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi còn đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã từng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2016 là tiếp tục tập trung phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, người thu nhấp thấp gặp khó khăn về nhà ở.
Trong khi đó, vào cuối năm 2015, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra khảo sát rất đáng chú ý, hơn 40% hộ gia đình tại Việt Nam có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng, và với mức thu nhập này họ không đủ khả năng để mua nhà. Vì vậy, nhu cầu về một chính sách tín dụng mang tính dài hạn cho loại hình nhà ở xã hội này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt, thành công từ những dự án nhà ở xã hội đã đi vào hoạt động tại Hà Nội là minh chứng sống động cho hiệu quả từ chính sách của Nhà nước đến việc triển khai của địa phương.