Ngày 21/1, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Nam, Trung tâm xúc tiến và tư vấn đầu tư bất động sản khu vực phía Nam cùng các đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức hội thảo “Tổng quan kinh tế thế giới, Việt Nam trong thời kỳ COVID-19 và động lực phát triển mới thị trường bất động sản khu vực phía Nam” nhằm tìm ra những giải pháp khôi phục thị trường bất động sản sau mùa dịch bệnh COVID-19.
Theo các đại biểu, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh nói riêng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề minh bạch thông tin giao dịch, pháp lý... khiến hoạt động đầu tư, thương mại của doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Vì vậy, năm 2021, muốn khôi phục thị trường bất động sản, Thành phố cần triển khai những giải pháp đồng bộ từ bộ máy quản lý, doanh nghiệp và các chủ đầu tư với mục tiêu ưu tiên phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp.
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chi Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt và cũng là đô thị có thị trường bất động sản khá sôi động. Mặc dù năm 2020, thành phố đang chịu tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi. Ngoài ra, ngày 31/12/2020 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt đề án “Xây dựng Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 - 2030” để đưa ra các tiêu chuẩn về diện tích nhà ở, quy hoạch các khu vực xây dựng nhà cao tầng và các giải pháp tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ cho người dân… Về chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 là 23,5m2/người, đến năm 2030 là 26,5 m2/người. TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phát triển nhà ở theo từng khu vực cho người dân như: khu vực hiện hữu (quận 1, quận 3), khu vực nội thành hiện hữu (11 quận); khu vực nội thành phát triển (thành phố Thủ Đức và quận 7, 12, Bình Tân) và 5 huyện ngoại thành.
“Đối với giải pháp tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, Thành phố cũng đang tập trung xây dựng và phát triển các đề án phát triển thành phố Thủ Đức, khu đô thị mới Thủ Thiêm, phát triển các dự án xây dựng lại nhà chung cư cũ, dự án chỉnh trang di dời tái định cư nhà trên và ven kênh rạch, kêu gọi đầu tư vào các loại hình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sinh viên tại các quận, huyện ngoại thành…”, ông Lê Hòa Bình cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, trên cơ sở Chính phủ kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, dự báo năm 2021, thị trường bất động sản cả nước và TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, ổn định; chưa có nguy cơ xảy ra tình trạng "đóng băng" hoặc "bong bóng" bất động sản do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao. Ngoài ra, năm 2021, phân khúc nhà ở có giá "vừa túi tiền" sẽ giữ vai trò chủ đạo của thị trường bất động sản, đây là cơ hội để người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị có thể an cư lập nghiệp tại thành phố.
"Để tăng nguồn cung nhà ở cho người dân trong năm 2021, các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản cần xem xét tăng tỉ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội. Bởi với loại hình nhà ở này, dù lợi nhuận thấp nhưng đang có tính thanh khoản cao và ít rủi ro cho các chủ đầu tư; đồng thời các dự án này còn góp phần cùng Nhà nước giải quyết nhà ở cho cán bộ, công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư", ông Lê Hoàng Châu đề nghị.
Ngày 21/1, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn Đầu tư khu vực phía Nam (CRIPs) cũng đã ra đời nhằm cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý, truyền thông cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư với các lĩnh vực: phát triển dự án, dịch vụ bất động sản, thi công công trình và ngành nghề liên quan đến bất động sản.