Theo Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư Nguyễn Anh Tuấn, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, hậu quả của đại dịch COVID-19 cùng những khó khăn nội tại đã khiến cho thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào trạng thái trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, lớn nhất là về nguồn vốn, thanh khoản và thủ tục pháp lý…
Trước thực trạng đó, đã có nhiều chủ trương, chính sách được ban hành nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, có thị trường bất động sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Đặc biệt, cùng với việc nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, theo phân công của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã soạn thảo, lấy ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Các dự án luật này đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV trong tháng 6 vừa qua và dự kiến sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV vào tháng 10/2023 tới đây - ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin.
Do đó, hội thảo tập trung đánh giá đúng vai trò, ảnh hưởng của thị trường bất động sản đối với sự phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế, để từ đó có các cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp cho lĩnh vực đầu tư - kinh doanh này; đồng thời đánh giá thực trạng của thị trường bất động sản Việt Nam, những rào cản, thách thức đối với các doanh nghiệp, người tiêu dùng và các giải pháp tháo gỡ.
Cùng với việc phân tích và góp ý về những nội dung mới của Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi), đánh giá tác động của chính sách mới đối với thị trường, các chuyên gia tập trung nhận định về tiềm năng, cơ hội đầu tư trong tình hình mới...; chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong việc phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, nhất là bất động sản xanh, khu công nghiệp sinh thái, đô thị thông minh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, tính trung bình, đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách; trong đó ngành bất động sản trực tiếp chiếm khoảng 4,5%. Cùng đó, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này đã không ngừng gia tăng và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thị trường.
Lũy kế đến nay, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn FDI vào Việt Nam và liên tục duy trì vị trí thứ 2 hoặc 3 về thu hút FDI. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức và nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đây là hai đạo Luật có ý nghĩa quan trọng, thu hút sự quan tâm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Việc sửa đổi, hoàn thiện hai đạo Luật lần này sẽ có tác động tích cực đến thị trường nhà ở và bất động sản, cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, tạo sự minh bạch và ổn định cho thị trường nhà ở và bất động sản tại Việt Nam. Điều này đặc biệt cần thiết cho việc phục hồi và phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam.
"Chính sách mới khi được thông qua cũng sẽ giúp thị trường bất động sản Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài" - Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn khẳng định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, bất động sản là một trong các lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hiện đã có 48 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Việt Nam; trong đó, dẫn đầu là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản...
Để bắt kịp xu hướng của thời đại, tiến tới chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ông Tuấn cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào 5 giải pháp.
Trước tiên là tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản mới (thành phố thông minh, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel - căn hộ khách sạn, officetel - căn hộ văn phòng...) phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cùng đó, chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh, bền vững; đồng thời đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản... cũng là giải pháp cần thiết.
Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, đặc biệt là đối với dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai - chuyên gia này đề xuất.