Hệ lụy khi giá đất tăng cao
Một thực tế hiện nay tại tỉnh Đắk Lắk là khi thị trường bất động sản sôi động thì khó tìm mua đất chính chủ. Hầu hết, nhà đầu tư có vốn lớn đã đầu cơ tích trữ để đợi giá cao hơn rồi bán hoặc đất đã được gửi bán, bán lướt. Mặt khác, giá đất tăng cao khiến cán bộ, công nhân viên chức thu nhập thấp, người dân từ nơi khác đến Đắk Lắk làm việc và sinh sống khó mua được đất để xây nhà ở.
Anh N.N.T., sinh năm 1989, tạm trú thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, vợ chồng anh tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ tiền thuê trọ, tiền học của con, tiền chi tiêu mỗi tháng, với giá đất như hiện nay, dự định mua đất xây nhà ở của vợ chồng anh càng khó thực hiện.
Mặt khác, giá đất tăng cao dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện về đất đai hoặc tự ý mở đường ở một số địa phương diễn ra phức tạp. Nhiều người dân bán đất để xây nhà, mua tô tô, khi tiền tiêu hết thì vòng luẩn quẩn về đói nghèo sẽ lặp lại.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar Nguyễn Công Văn, tại một số xã như Cuôr Đăng, Cư Suê, Ea Drơng, Ea Pốk, Ea M’nang, giá đất đã tăng cao nhiều lần. Giá đất tăng cao sẽ kìm hãm thu hút đầu tư vì chi phí giải phóng mặt bằng tăng, nhà đầu tư bỏ dỡ kế hoạch. Hơn nữa, thực tế thời gian qua có những làng triệu phú giàu nhanh chóng nhờ đất nhưng không duy trì được thời gian dài, hoặc có nhiều người vỡ nợ vì đầu tư khi đất đang sốt ảo.
Cũng theo ông Nguyễn Công Văn, trước đây, giá đất vùng nông thôn ở huyện dao động từ 20 - 30 triệu đồng/m ngang, hiện nay giá đất đã tăng từ 70 - 80 triệu đồng/m ngang thì những hộ gia đình đông con khó mua được đất.
Trước những thông tin như sáp nhập xã Cư Suê về thành phố Buôn Ma Thuột, xây dựng sân golf, khu nghỉ dưỡng tại hồ Ea Nhái, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện, UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền, xử lý tổ chức, cá nhân sử dụng dự thảo hồ sơ lập quy hoạch sử dụng đất để tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất lên cao, tạo bong bóng bất động sản.
Ngăn chặn sốt ảo
Năm 2021, tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận, xử lý gần 300.000 hồ sơ, giao dịch về quyền sử dụng đất. Riêng 6 tháng cuối năm 2021, số lượng giao dịch, đăng ký chuyển dịch quyền sử dụng đất tăng 30%, tương đương 28.000 giao dịch so với cùng kỳ năm 2020. Lượng giao dịch tăng chủ yếu ở địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Cư Kuin, Cư M’Gar, Krông Pắk và Ea Kar.
Để ngăn chặn tình trạng đất sốt ảo và kiểm soát thị trường bất động sản sau Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về xây dựng. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Đình Nhuận cho biết, nhằm chấm dứt tình trạng tự ý phân lô mở đường, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 07 ngày 21/1/2022 quy định về tách thửa, hợp thửa, diện tích, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn yêu cầu UBND cấp huyện xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng dự thảo quy hoạch làm lũng đoạn thị trường. Trường hợp vi phạm, UBND tỉnh giao ngành công an theo dõi, xử lý nghiêm. Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát công khai quỹ đất công trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, công khai quỹ đất sạch, kết hợp ngành xây dựng công khai dự án nhà ở, dự án đô thị mới để người dân tham gia thị trường có sự tính toán.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Đình Nhuận dự đoán, sau khi tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2022, cũng như thực hiện hiệu quả quy hoạch đô thị, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh bất động sản, tình trạng sốt đất ảo, sốt nóng cơ bản chấm dứt, thị trường đất đai sẽ ổn định.
Năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung thanh tra việc quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã. Trong quá trình thanh tra sẽ chú trọng nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong việc phát hiện hành vi vi phạm về đất đai.
Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành văn bản 761 ngày 25/1/2022 về tăng cường quản lý thị trường bất động sản. UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra các dự án kinh doanh bất động sản chậm triển khai. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, dịch vụ bất động sản; tập trung hoàn thiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đắk Lắk, triển khai xây dựng Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tăng cường theo dõi diễn biến giá đất đối với từng địa phương, công tác bồi thường và hỗ trợ, tái định cư các dự án trọng điểm…
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk Lê Hùng, để quản lý thị trường bất động sản cũng như có những giải pháp giúp người dân an tâm an cư, các địa phương nghiêm cấm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tự ý mở đường, phân lô, tách thửa, chuyển nhượng đất đai không đúng quy định.
UBND cấp huyện quản lý chặt khu vực đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn. Các địa phương tăng cường theo dõi diễn biến giá đất, chú trọng xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp; kịp thời thông tin chính xác, minh bạch về chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, kế hoạch sử dụng đất, các dự án bất động sản đã được phê duyệt.
Ngoài thị trường đất nền, thị trường nhà ở, căn hộ, mặt bằng thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian qua hoạt động ổn định, cơ cấu sản phẩm đa dạng, xuất hiện những khu đô thị có tiện ích và dịch vụ đồng bộ như dự án Eco City Primia, dự án Khu Đô thị Ân Phú, dự án Thành phố cà phê Trung Nguyên Legend.