Thị trường BĐS vẫn phát triển ổn định

Trong buổi tiếp xúc các doanh nghiệp ngành xây dựng chiều 12/8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng thị trường BĐS vẫn tiếp đà tăng trưởng từ năm 2015 đến nay. Trước mắt, chưa có dấu hiệu nào quá bất thường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý 3 yếu tố có thể tác động xấu đến thị trường, đó là: Sự lệch pha ngày càng cao trong quan hệ cung cầu, phân khúc nhà ở cao cấp tăng trưởng mạnh hơn so với nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ; Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cho BĐS vẫn ở giới hạn an toàn (khoảng 8%) và lại chỉ chủ yếu tập trung vào nhóm sản phẩm cao cấp và một số ít chủ đầu tư; Có hiện tượng tăng giá ảo do các sàn giao dịch, môi giới tự ý đẩy giá.

Theo Bộ trưởng, đây là những nguy cơ có thể gây rủi ro cho thị trường BĐS nếu không được kiểm soát tốt. Bộ trưởng đã nêu 6 giải pháp đối với thị trường BĐS trong thời gian tới. Đó là: Minh bạch thông tin thị trường; Có cơ chế mới thúc đẩy vốn cho thị trường BĐS; Nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước đối với thị trường; Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; Đảm bảo quyền lợi các bên tham gia trong giao dịch BĐS; Tăng cường thanh tra, giám sát thị trường nhưng không cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm việc với Hiệp hội BĐS và cộng đồng doanh nghiệp.

Trước đó, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã báo cáo tình hình thị trường BĐS những tháng đầu năm.

Theo đó, lượng giao dịch tăng đều từ đầu năm đến nay. Tổng số giao dịch tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm khoảng 15.300 giao dịch. Giá bất động sản tăng 3-7%, cao hơn so với cùng kỳ 2015 là 3-5%. Hàng tồn kho hiện còn 37.489 tỷ đồng so với cùng kỳ là 67.443 tỷ đồng.

Thời gian qua, Hiệp hội BĐS và cộng đồng doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực cùng với Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước phát triển thị trường BĐS Việt Nam theo hướng lành mạnh, bền vững. Hệ thống chính sách mới về BĐS đã bắt đầu phát huy tác dụng trên thực tế và từng bước đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như cơ cấu hàng hóa trên thị trường mất cân đối, thiếu vắng sản phẩm giá trung bình và thấp. Việc phát triển nhà ở xã hội có xu hướng chậm lại, phân khúc nhà ở cho thuê chưa có điều kiện phát triển; thông tin thị trường chưa thực sự đầy đủ...

Để phát triển thị trường theo hướng lành mạnh, bền vững và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đề nghị Bộ xây dựng chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ, các Sở xây dựng địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường BĐS để nâng cao hiểu biết về pháp luật trong bộ máy quản lý cũng như trong cộng đồng DN BĐS; đề nghị Bộ ban hành các quy định việc soát xét thủ tục trước khi bán đối với nhà ở hình thành trong tương lai và có các biện pháp kiểm tra, kiểm soát đảm bảo thực hiện đầy đủ theo quy định của luật; đề nghị Bộ chủ trì làm việc với các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể về việc thủ tục cấp visa cho người nước ngoài vào Việt Nam mua nhà, thủ tục chuyển tiền vào, chuyển tiền ra khi mua bán BĐS...

Cũng tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp BĐS đã đề nghị Bộ Xây dựng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng. Đại diện Bộ đã tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và hứa sẽ ngày càng đơn giản các thủ tục hành chính.
H.Dương
Giá nhà TP.HCM tăng, Hà Nội giảm
Giá nhà TP.HCM tăng, Hà Nội giảm

Savills Việt Nam vừa công bố Chỉ số giá Bất động sản tháng 7/2016 cho 2 thị trường chính là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Theo đó, hai TP lớn này có diễn biến trái chiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN