Chiều 30/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý II/2019. Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chánh Văn phòng, phụ trách Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 114 nhiệm vụ, đã hoàn thành 66 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.
Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được quan tâm. Bộ Tư pháp, các bộ, ngành tích cực xây dựng, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; thông qua 7 luật, cho ý kiến 9 dự án luật khác; tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn ngành đã thẩm định 2.853 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 105 dự thảo. Kết quả thi hành án dân sự cơ bản đạt tiến độ. Về việc, đã thi hành xong 336.404 việc, đạt tỷ lệ 60,24%; về tiền, đã thi hành xong gần 23.900 tỷ đồng đạt tỷ lệ 16,01%.
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của ngành trong thời gian qua. Liên quan đến cơ sở pháp lý trong việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thu hồi gần 400 sổ đỏ của người dân đang sinh sống tại các dự án nhà ở có sai phạm, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) nêu rõ: Việc giải quyết, trả lời vướng mắc liên quan đến thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tư pháp cho rằng, việc thu hồi sổ đỏ phải có căn cứ pháp lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì sẽ bị thu hồi. Luật cũng quy định rõ thẩm quyền thu hồi. Theo đó, ai có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thì cơ quan đó có thẩm quyền thu hồi lại.
Ông Lê Đại Hải nhấn mạnh, cần có sự phân biệt, tách bạch giữa quyền sở hữu của người mua nhà và trách nhiệm pháp lý của người có hành vi vi phạm. Trong trường hợp dự án có sai phạm, hành vi sai phạm là chủ dự án còn người dân mua nhà không sai phạm gì. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, trường hợp người mua nhà đất trên cơ sở người bán (chủ dự án) đã có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện dự án và bán cho người dân; sau khi quyết định đó có vấn đề, bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ thì không ảnh hưởng đến quyền của người mua nhà, đất đã được cấp phép.
Đối với gần 400 sổ đỏ bị thu hồi, ông Lê Đại Hải cho rằng, khi thu hồi chắc chắn cơ quan Nhà nước đã có quyết định hành chính (tức là quyết định thu hồi sổ đỏ). Theo quy định pháp luật, nếu quyết định hành chính không đúng, người dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện để trả lại sổ đỏ; nếu ảnh hưởng, phải bồi thường.
Tại cuộc họp báo, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã tập trung giải đáp và làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến công tác thi hành án dân sự, bồi thường nhà nước, giám định tư pháp...