Theo các chuyên gia, chính sách phát triển nhà ở xã hội cần sự ổn định, cơ quan chức năng cần tính đến các biện pháp ưu đãi cho người thu nhập thấp mua nhà sau khi gói tín dụng này kết thúc.
Thiệt vì dự án chậm tiến độ
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) (Bộ Xây dựng) cho biết, các vấn đề liên quan đến lãi suất của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không phải do Bộ Xây dựng chủ trì mà nằm trong quy định thuộc Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước. “Các vấn đề về ưu đãi lãi suất, trong đó có việc chuyển sang vay theo lãi suất thương mại từ sau 1/6 (thời điểm hết hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng) thuộc về phía ngân hàng. Khách hàng ký với ngân hàng hợp đồng vay thì trong hợp đồng phải có quy định rõ quyền và nghĩa vụ của bên vay với bên cho vay”, ông Ninh cho hay.
Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá (Hà Nội). |
Tuy nhiên thực tế, nhiều khi người mua nhà không tính trước được việc họ có được giải ngân hết khi vay trong thời hạn 36 tháng của gói 30.000 tỷ đồng nếu các dự án chậm tiến độ. Anh Trần Văn Hải (Khâm Thiên, Hà Nội) vay tiền mua nhà tại một dự án ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã được ngân hàng giải ngân đợt đầu. Hiện, dự án này mới chỉ xây dựng xong phần móng và đang bị chậm tiến độ. Khả năng phải từ cuối năm nay mới có thể giải ngân được các đợt tiếp theo. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, anh Hải sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi cho các lần giải ngân này nên anh Hải đang rất lo lắng.
“Nếu vay thương mại để trả tiền thì lãi suất trên dưới 10%/năm quá cao so với thu nhập gia đình”, anh Hải băn khoăn.
Việc các dự án chậm tiến độ đã khiến khách hàng chịu thiệt, không được vay tiền với lãi suất ưu đãi. Không những thế, hiện nay, vì quá lo lắng phải thanh toán lãi suất cao nên một số khách hàng đã hối thúc chủ đầu tư và ngân hàng giải ngân sớm trước thời điểm 1/6. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi khi khách hàng thanh toán tiền không đi liền với tiến độ nhà không khác gì “cầm dao đằng lưỡi”, khách hàng không thể kiểm soát chủ đầu tư dùng tiền đó vào việc gì. Bởi vậy theo các chuyên gia, khách hàng không nên chấp nhận rủi ro này để đổi lấy việc được vay với lãi suất ưu đãi như vậy.
Theo đó, với khoản tiền giải ngân trước tiến độ, khách hàng có thể giải ngân vào tài khoản nào đó nhưng ngân hàng vẫn kiểm soát để giải ngân vào công trình đúng tiến độ. Khách hàng đỡ lo chủ đầu tư “ôm” tiền nhưng không thực hiện dự án.
Kiến nghị giải ngân tiếp cho hợp đồng đã kí
Từ thực tế này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, không ấn định thời hạn để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở. Các đối tượng này vẫn cần được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 25/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước…
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 28.884 tỷ đồng (đạt 96,28%) và đã giải ngân được hơn 20.000 tỷ đồng (đạt 66,6%). Gần 43.000 hộ gia đình có cơ hội mua nhà ở mới, trong đó khoảng 70% là đối tượng mua căn hộ thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng và khoảng 30% mua nhà ở xã hội. |
Trong trường hợp gói 30.000 tỷ đồng vẫn kết thúc đúng thời điểm, ông Châu kiến nghị cần có cơ chế xử lý chuyển tiếp đối với những người đã ký hợp đồng vay tính đến thời điểm cuối tháng 5/2016 nhưng chưa được giải ngân hoặc chỉ mới được giải ngân một phần. “Nếu đến ngày 31/5/2016, người vay chưa được giải ngân hoặc mới chỉ được giải ngân một phần mà gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng lại bị chấm dứt giải ngân thì người thu nhập thấp đô thị sẽ không biết xoay sở đâu ra tiền mua nhà. Nếu vay theo phương thức thương mại thì người thu nhập thấp không có tài sản đảm bảo, cũng không thể chứng minh thu nhập theo điều kiện của ngân hàng thương mại quy định”, ông Châu cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, từng khẳng định sau ngày 1/6/2016, theo quy định của Luật Nhà ở, các chính sách NOXH sẽ tiếp tục được triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nhà nước cũng phải có quy định các ngân hàng thương mại dành ra một tỷ lệ tín dụng phù hợp để cho vay đối với NOXH.
Còn theo ông Phạm Sỹ Liêm, chuyên gia BĐS, để phát triển NOXH, gói 30.000 tỷ đồng chỉ giải quyết vấn đề trước mắt. Về lâu dài, cần có một chính sách tín dụng riêng và ổn định để một mặt tạo lập quỹ nhà, mặt khác người thu nhập thấp luôn được vay mua quỹ nhà đó với lãi suất ưu đãi. Việc này tại các nước đã có chính sách từ lâu.