Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được một số chuyên gia chỉ ra, đó là do mặt bằng lãi suất thấp. Dòng vốn thay vì chảy vào sản xuất kinh doanh đã đổ vào kênh đầu tư bất động sản. Vậy thực tế như thế nào?
Sốt đất vì… lãi suất thấp?
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HOREA), tình trạng sốt giá bất động sản đang diễn ra trên tất cả loại hình. Không chỉ đất nền, đất nông nghiệp, mà giá căn hộ, dự án nhà biệt thự, nhà phố, cả khu vực đô thị cũ… cũng được “thổi” lên cao.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt đất hiện nay, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nguồn tiền dành cho đầu tư trong xã hội rất lớn, song mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở các ngân hàng lại chưa bao giờ thấp như hiện nay.
“Dòng tiền rẻ luôn có tính “hai mặt”. Trong khi các doanh nghiệp bất động sản được vay với lãi suất tốt nhất trong nhiều năm để phục hồi kinh doanh, thì lãi suất thấp cũng khiến nhiều người rút tiền gửi tiết kiệm, chuyển hướng đầu tư sang bất động sản”, ông Châu nói.
Mặt khác, có một thực tế đại dịch COVID-19 đã khiến hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, phải đóng cửa. Dòng tiền thay vì chảy vào sản xuất, kinh doanh đã chuyển hướng sang đầu tư bất động sản. Bởi đây không chỉ đơn thuần là kênh đầu tư mà còn đặc thù là nơi cất trữ tài sản an toàn theo quan niệm của người dân.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện trạng giá bất động sản tăng cao chóng mặt ở nhiều nơi, diễn ra trong những tháng đầu năm 2021 cho thấy, đã có nhiều người dân rút tiền tiết kiệm đi mua đất. Chưa kể, mặt bằng lãi suất năm nay được điều chỉnh giảm rất thấp, nhiều ngân hàng “chạy đua” triển khai gói cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay mua bất động sản với lãi suất ưu đãi đã thúc đẩy người dân vay ngân hàng để mua nhà đất.
“Điều này có thể tạo ra bong bóng bất động sản. Về lâu dài, nền kinh tế vĩ mô và xã hội có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, khi người dân không chú trọng vào sản xuất. Do vậy, khi tín dụng bất động sản có dấu hiệu tăng và thị trường có đột biến, chúng ta không thể chủ quan được”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Thực tế, ngay từ quý IV/2020 và đầu năm 2021, nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai các gói cho vay tiêu dùng. Trong đó, có cho vay mua bất động sản với lãi suất khá hấp dẫn, giảm tới 1-2 điểm % so với trước đó.
Chẳng hạn, trong quý IV/2020, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tung gói vay 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng vay mua nhà, kể cả bất động sản dự án, với lãi suất thấp nhất từ 4,99%/năm trong 3 tháng đầu.
Bước sang 2021, ngay đầu tháng 1, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã triển khai chương trình vay "Về nhà mới" cho khách hàng cá nhân muốn mua nhà, đất, với lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm, cố định 12 tháng. Không chỉ lãi suất thấp, ACB còn hỗ trợ thời hạn vay lên đến 20 năm và miễn phí trả nợ trước hạn hàng tháng và vào các dịp đặc biệt của khách hàng.
Cũng trong tháng 1/2021, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tung ra gói vay vốn trung dài hạn mới với quy mô 50.000 tỷ đồng dành cho khách hàng mua nhà, mua xe, tiêu dùng cá nhân, với lãi suất ưu đãi theo từng kỳ hạn. So với cùng kỳ năm 2020, lãi suất trung dài hạn của BIDV đã giảm đến 0,4%/năm ở một số kỳ hạn.
Kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 12% và có giao chỉ tiêu cụ thể cho từng ngân hàng nhưng tạm thời không cao hơn con số mục tiêu này. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang dần hồi phục cùng với những dự báo khả quan về phục hồi của nền kinh tế sau dịch COVID-19. Do vậy, dòng vốn tín dụng của ngân hàng này sẽ ưu tiên tập trung vào sản xuất kinh doanh, thay vì cho vay mua nhà đất.
Qua theo dõi, việc phân bổ tỷ lệ dư nợ tín dụng cho bất động sản đang được triển khai tùy vào “khẩu vị” và định hướng chiến lược của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn luôn trong “tầm ngắm” giám sát của Ngân hàng Nhà nước, để tránh tình trạng nợ xấu như ở giai đoạn trước.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2005-2008, cùng với tình trạng sốt đất, tín dụng bất động sản cũng phát triển quá nóng, chiếm tới 35-40% tổng dư nợ. Điều này đã dẫn đến hệ lụy, nhiều ngân hàng hiện vẫn vất vả xử lý nợ xấu.
“Bài học từ cho vay bất động sản ở giai đoạn 2005-2008 vẫn còn nguyên giá trị đối với ngành ngân hàng. Do vậy, trong nhiều năm gần đây, ngành ngân hàng thành phố luôn giám sát chặt chẽ và duy trì tỷ trọng tín dụng bất động sản từ 12,5-13,5% trong tổng dư nợ. Cơ cấu này được đánh giá là hợp lý và an toàn cho các hoạt động thị trường, bao gồm hệ thống ngân hàng và kể cả thị trường bất động sản”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.
Thống kê từ 2015 đến nay cho thấy, dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bình quân tăng 12-13%/năm. Riêng trong quý 1/2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay bất động sản chiếm khoảng 13,5%. Nếu so với cuối năm 2020, dư nợ tín dụng bất động sản của thành phố tăng 2%, thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung là 2,2%.
Tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 14/4, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến cuối quý 1/2021, dư nợ tín dụng vào bất động sản của cả nước đạt khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối 2020.
Con số này cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế là 2,93%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản vẫn đang được kiểm soát và có sự theo dõi chặt chẽ.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong năm 2021 Ngân hàng Nhà nước định hướng mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng sẽ được điều hành theo hướng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có cho vay bất động sản.
“Các ngân hàng phải đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, tăng tưởng tín dụng vào lĩnh vực theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ. Tín dụng phù hợp với cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng để phòng rủi ro, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro của tổ chức tín dụng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý.