Tín hiệu khởi sắc thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh

Với việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, sự quan tâm tìm hiểu, đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng với nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản thành phố đã có tín hiệu khởi sắc.

Chú thích ảnh
 Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, trong quý III/2020 thị trường bất động sản thành phố phát triển tốt hơn so với quý II/2020 do dịch COVID-19 đã được kiểm soát và do sự tăng cao nguồn cung nhà ở; trong đó có phân khúc thấp tầng được các nhà đầu tư ưu tiên quan tâm.

Trong quý III/2020 Sở Xây dựng thành phố đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 8 dự án với tổng số 6.722 căn hộ, tăng 69,8% so với quý II/2020.

Luỹ kế từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Xây dựng Thành phố đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 26 dự án với tổng số 15.087 căn hộ, tổng giá trị cần huy động gần 61.000 tỷ đồng; trong đó phân khúc căn hộ cao cấp chiếm 35,3%, phân khúc trung cấp chiếm 63,5%, phân khúc bình dân chiếm 1,2%. Hiện nay trên địa bàn thành phố đang triển khai 102 dự án với quy mô 32.674 căn hộ và 3 dự án đã hoàn thành với quy mô 10.957 căn.

Theo đại diện Công ty cổ phần DKRA Việt Nam, trong quý III/2020 phân khúc căn hộ Tp. Hồ chí Minh phục hồi tích cực khi thị trường có 15 dự án mở bán, bao gồm 3 dự án mới và 12 dự án trước đó, cung cấp ra thị trường khoảng 6.374 căn, gấp 2,6 lần so với quý II/2020. Lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới tích cực, đạt khoảng 79,8% gấp 2,9 lần so với quý II/2020. Dự báo trong quý IV/2020, nguồn cung căn hộ dao động ở mức 6.500 – 7.000 căn, tập trung vào khu Đông và khu Nam Thành phố.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, trong 10 tháng qua, thành phố có gần 33.500 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 769.550 tỷ đồng; trong đó ngành nghề kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (55,92%). Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) phân theo ngành nghề, lĩnh vực “đổ mạnh” vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm tới 20,40%).
 
Ngoài ra, thành phố cũng chấp thuận cho 3.141 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 3,4 tỷ USD…

Trần Xuân Tình (TTXVN)
Bất động sản công nghiệp Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới
Bất động sản công nghiệp Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới

Trước làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã có những bước “chuyển mình” để đón làn sóng đầu tư mới, trong đó bất động sản (BĐS) công nghiệp được xem là phân khúc thị trường tiềm năng nhất trong năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN