Viglacera và hành trình ra biển lớn

Hội nhập với sân chơi quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam như những con tàu ra biển lớn, vận hội nhiều mà cũng không ít thử thách, gian lao. Thực tiễn cho thấy, bến bờ thành công chỉ chờ đón những doanh nghiệp quả cảm trước "sóng to, gió cả", vượt qua trở ngại bằng sức mạnh của bản lĩnh và tài hoa. Thành công với Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera), cũng không ngoại lệ.

 

Một “thời hoa đỏ”


Cách đây vừa tròn 4 thập niên, trước nhu cầu bức thiết về vật liệu xây dựng (VLXD) để phục vụ sự nghiệp xây dựng và tái thiết đất nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khi đó đã ký quyết định thành lập Công ty Gạch ngói sành sứ xây dựng. Có lẽ vào thời điểm ấy, những người đi khai đường mở lối dẫu sẵn có một niềm tin, nhưng chưa hẳn đã hình dung về một cơ đồ của Viglacera ngày nay, được hình thành từ với 20 xí nghiệp gạch ngói, dây chuyền thủ công, sản phẩm thô sơ.

 

Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội do Viglacera làm chủ đầu tư.


Để đáp ứng nhu cầu xây dựng đất nước, các xí nghiệp gạch quy mô nhỏ như Đại Thanh, Hữu Hưng, Xuân Hòa, Cầu Đuống, Từ Liêm… dù hoạt động hết công suất nhưng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thị trường. Trong bối cảnh đó, tháng 9/1979, Liên hiệp các xí nghiệp gạch ngói và sành sứ xây dựng được thành lập, gồm 47 xí nghiệp, trải khắp 3 miền đất nước với 1.200 cán bộ, công nhân viên, đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành sản xuất VLXD. Sau khi đi vào hoạt động, nhiều nhà máy sản xuất gạch được xây mới, nhiều sáng tiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng hiệu quả như: dùng than nhóm lò đứng thay củi; xếp cầu rãnh trong lò đứng để củi bén nhanh và đều; sấy gạch mộc bằng lò dã chiến trong những ngày mưa phùn...


Cuối thập niên tám mươi thế kỷ trước, sức cạnh tranh của gạch lò thủ công tư nhân chất lượng thấp, giá rẻ, đã đặt cả Liên hiệp đứng trước ngã rẽ: tồn tại hay không tồn tại? Và rồi câu trả lời cũng kịp thời được đưa ra: tạo bước nhảy vọt để tồn tại và phát triển.


Những quyết sách chuẩn xác


Ngày 24/12/1992, Liên hiệp các xí nghiệp gạch ngói và sành sứ xây dựng được đổi tên thành Liên hiệp các xí nghiệp Thủy tinh và Gốm xây dựng. Nhưng sự nghiệp đổi mới của Viglacera ngày ấy không chỉ bao hàm khuôn khổ của một danh xưng.


37 xí nghiệp của Liên hiệp thành viên đã thực hiện đổi mới về nhân sự, đưa hàng loạt cán bộ xuống thực tiễn tại công trường, xưởng máy, trực tiếp đào tạo kỹ năng, xúc tiến thị trường, tạo khí thế mới về nguồn lực lao động. Cùng với đó, bước ngoặt đổi mới khoa học công nghệ đã chấm dứt thời kỳ lao động thủ công nặng nhọc, tạo bước đi vững chắc để tạo nên thương hiệu Viglacera ngày nay.


Sau một thời gian dài nghiên cứu, chế tạo, lò nung tuynen đầu tiên của Việt Nam tại Nhà máy gạch Hữu Hưng chính thức vận hành, tạo nên sản phẩm gạch ngói "made in Việt Nam", lật sang trang mới cho ngành VLXD.


Từ bài học thành công của Nhà máy gạch Hữu Hưng, nguyên tắc tiên phong đi đầu về lựa chọn công nghệ mới được Viglacera kiên trì trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển . Cũng thời điểm này, Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng chia tay với mô hình Liên hiệp, tăng thêm sức mạnh nội tại trong hình vóc của doanh nghiệp chuyên ngành sản xuất VLXD lớn nhất trên cả nước.


Kể từ đây, vượt qua rào cản lớn về lãi suất tín dụng, nhiều dự án làm chủ về công nghệ tiên tiến đã nhanh chóng được triển khai. Có thể kể đến là: Kính Đáp Cầu ra đời ngay khi nhu cầu sử dụng kính cả nước còn khiêm tốn; ghi điểm cho Viglacera trong việc chinh phục các lĩnh vực sản xuất mang lại giá trị gia tăng lớn. Không thể không nói tới một sứ Thanh Trì với slogan được đồng nghiệp ngoài Bắc, trong Nam mến tặng: "Khởi nguồn sứ vệ sinh", mà để sản phẩm có mặt ở hầu khắp các cửa hàng VLXD, lãnh đạo Tổng Công ty đã mạnh dạn chọn gói tín dụng 30 tỷ đồng nhập về dây chuyền công nghệ từ đất Italy.


Và còn nữa, những thành công tiếp nối của gạch ốp lát Hà Nội với sản phẩm ceramic góp sức mình trong cuộc chiến chống lại hàng nhập lậu. Hay các dòng sản phẩm của Granit Tiên Sơn, Cotto Hạ Long, gạch men Thăng Long, sen vòi Viglacera, từng bước thiết lập được chỗ đứng vững vàng với doanh thu tiêu thụ mạnh ở cả thị trường nội địa và nước ngoài. Sự kiện Nhà máy kính nổi được xây dựng tại KCN Dĩ An, Bình Dương sản xuất những mét vuông kính đầu tiên càng minh chứng cho quyết tâm của Viglacera trong việc đa dạng hóa các sản phẩm VLXD theo hướng phát triển các dòng sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao.


Nhân lên niềm khát vọng


Để tăng tỷ trọng vốn chủ sở hữu, hàng loạt các công việc của Viglacera được thực hiện như cơ cấu lại các dòng tiền; xử lý dứt điểm các tồn đọng về tài chính; triển khai các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm để khai thác các lợi ích mới mang lại hiệu quả kinh doanh chung. Đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp là một trong những thành tựu đáng kể nhất trong chiến lược phát triển của Viglacera, nhưng Viglacera đã tiến từng bước bài bản và chắc chắn để khẳng định lựa chọn đúng đắn này của mình.


Dự án lớn đầu tiên trong lĩnh vực này của Viglacera là KCN Tiên Sơn với tổng diện tích 349 ha được khởi công xây dựng vào tháng 3/2000. Sau hơn 10 năm thu hút đầu tư, KCN Tiên sơn đã thu hút hơn 100 nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thuê đất. Trên đà phát triển, Viglacera tiếp tục triển khai KCN và đô thị Yên Phong (Bắc Ninh), Đông Mai (Yên Hưng- Quảng Ninh) và KCN Hải Yên (Móng Cái- Quảng Ninh), đưa diện tích đất KCN lên hơn 2.000 ha.


Cùng với đầu tư hạ tầng KCN,Viglacera cũng gặt hái nhiều thành công trong các dự án xây dựng khu đô thị và phát triển nhà ở xã hội. Khu đô thị: Đặng Xá (Gia Lâm), Xuân Phương (Từ Liêm) do Viglacera làm chủ đầu tư là những khu đô thị đẹp và hiện đại của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, với hơn 2.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp trong khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) và hàng nghìn căn hộ khác cho người lao động tại KCN Tiên Sơn, KCN Yên Phong (Bắc Ninh) đã khẳng định vai trò tiên phong của Viglacera trong lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Xây dựng.


Trong các dự án đầu tư kinh doanh, bất động sản, Viglacera đồng thời khách hàng sử dụng sản phẩm của chính mình với tiêu chí chất lượng tốt, tạo thành “chuỗi giá trị liên hoàn”. Từ Viglacera, đã có tiền lệ được mở ra. Đó là một Tổng công ty có thể cung cấp tới các sản phẩm hoàn thiện cuối cùng tới tay người tiêu dùng.


Ông Luyện Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Viglacera: "Từ 2/7/2014, Viglacera chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Đây cũng là bước chuyển về "chất" để tạo nên những giá trị mới, kế thừa thành công của 4 thập niên phát triển. Đi lên từ khởi điểm xuất phát thấp, điều tâm niệm của tập thể lãnh đạo Viglacera là coi trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, mỗi thành viên của Viglacera cần ý thức về sự chưa hoàn thiện của sản phẩm để có giải pháp. Chúng ta vẫn còn khoảng cách so với các cường quốc về vật liệu xây dựng, nhưng hoàn toàn có thể tiếp cận, với các mũi đột phá có lộ trình".

Bước vào giai đoạn hội nhập với những "luật chơi" bình đẳng trên cả sân khách và sân nhà, cũng như các doanh nghiệp khác, công cuộc phát triển thương hiệu của Viglacera tập trung theo hướng mẫu mã mới, hiện đại đẳng cấp cao, tính năng sử dụng vượt trội, giá bán tốt.


Cùng với tổ chức hệ thống đại lý bán hàng thống nhất, thiết lập hệ thống showroom hiện đại để giới thiệu năng lực toàn diện và tổng thể của tất cả các nhà sản xuất sản phẩm cao cấp mang thương hiệu Viglacera, Công ty CP Thương mại Viglacera và Công ty kinh doanh gạch ốp lát Viglacera được thành lập với mục tiêu hình thành một đơn vị kinh doanh chuyên nghiệp để xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh, tập trung tối đa mọi nguồn lực nâng cao chất lượng sản phẩm.


Với phương châm đưa thương hiệu Viglacera đến với thị trường quốc tế, nâng tỷ trọng doanh thu xuất khẩu, Viglacera tiếp tục đầu tư trang thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng những đơn đặt hàng từ nước ngoài. Các sản phẩm kính xây dựng, gạch ốp lát, gạch granit, sứ vệ sinh của Viglacera hàng năm được xuất khẩu với sản lượng tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Ngay cả những thị trường được coi là khó tính, là những cường quốc về VLXD như: Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Australia, hoặc những thị trường tiềm năng như: Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan cũng trở thành điểm đến cho sản phẩm tinh xảo được chế tác từ đôi tay tài hoa của những người thợ Viglacera.


Bốn thập niên phát triển, trải qua không ít thăng trầm, bước vào tiến trình cổ phần hóa, Viglacera sẽ tiếp tục nối chí tiền nhân, làm nên quốc thịnh dân cường.


Phan Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN