Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chương trình vay theo gói 30.000 tỷ đồng được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Đến nay, thị trường đã hồi phục, Nhà nước vẫn có chính sách phát triển NOXH lâu dài được quy định trong Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Theo đó, Nhà nước sẽ có nhiệm vụ tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các nguồn vốn phát triển NOXH.
Liên quan đến nguồn vốn ngân sách, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, hiện các bộ ngành vẫn đang cân nhắc việc bố trí nguồn vốn phát triển NOXH do đây là nguồn vốn vay trung hạn, phải tuân thủ các quy định pháp luật về vốn vay. Hiện chưa có sự thống nhất từ phía Bộ Kế hoạch Đầu tư, do đó các bộ ngành vẫn còn phải làm việc để đi đến thống nhất.
Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nhà nước cần xác định nguồn vốn tín dụng dài hạn, ổn định và cần có cơ quan điều phối cấp quốc gia để quản lý và thực hiện hiệu quả chương trình NOXH. Do nguồn ngân sách có hạn, ngân sách nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư cho 2 chương trình NOXH là NOXH cho thuê và NOXH thuê mua (bán trả góp dài hạn). Đối với loại NOXH xây xong rồi bán thu tiền ngay thì nên hoàn thiện cơ chế chính sách riêng để mời gọi các doanh nghiệp, các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia theo phương thức xã hội hóa.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp làm các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Nếu có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiền sử dụng đất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp... thì có thể xem đây là loại hình nhà ở xã hội theo phương thức hợp tác công - tư hiệu quả nhất.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội kiến nghị, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cần xây dựng chính sách tiết kiệm NOXH để tạo thêm nguồn vốn thực hiện chương trình NOXH và đảm bảo công bằng cho các đối tượng thụ hưởng NOXH. Bộ Xây dựng và các tỉnh thành cần cân đối kế hoạch phát triển NOXH hợp lý trong giai đoạn 2016 - 2020.
Mới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội, đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng với NOXH đã có văn bản hướng dẫn người dân vay với lãi suất ưu đãi 4,8%. Theo đó, ngân hàng này quy định người vay phải gửi tiết kiệm tại ngân hàng, thời gian tối thiểu là 12 tháng. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.
Theo ông Phấn, việc quy định sổ tiết kiệm không mang ý loại bỏ đối tượng vay vốn mà nhằm ràng buộc trách nhiệm của người vay mua nhà với ngân hàng. Ngân hàng Chính sách phải làm chặt chẽ do không biết đối tượng có khả năng trả nợ hay không. Người mua nhà nên thông cảm bởi nhà nước chỉ hỗ trợ phần chênh lệch 50% lãi suất, còn lại ngân hàng phải tự huy động vốn vay. Người vay mua nhà gửi tiết kiệm càng lâu sẽ được ưu tiên vay trước. Ngân hàng Chính sách có thể linh động cho người dân nộp tiết kiệm luôn 12 tháng để được vay ngay (thay vì sau 12 tháng mới cho vay).
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, để chương trình cho vay có hiệu quả, không thể chỉ dựa vào tiền tiết kiệm của người vay mà còn cần huy động từ các nguồn lực khác nhau: Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương dành một phần để chuyển qua ngân hàng chính sách cho vay nhà ở; phát hành trái phiếu, công trái nhà ở; vốn ODA…