Đối diện với mầm bệnh nguy hiểm nhưng đơn vị vẫn giữ được an toàn cho đội ngũ y, bác sỹ cùng bệnh nhân, đồng thời điều trị tốt cho những người bệnh tại cơ sở, đảm bảo triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu.
Năm 2021 là năm nổi bật, ghi nhận những hình ảnh đẹp của các chiến sỹ áo blouse trắng nói chung và tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng tham gia chống dịch. Họ sẵn sàng gác lại lo toan của bản thân, đi trước, về sau trong trận chiến chống COVID-19 để hoàn thành sứ mệnh cứu người.
Đi trước, về sau
Dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của thành phố lớn bậc nhất cả nước – Thành phố Hồ Chí Minh trong một năm vừa qua. Trong lúc tình hình dịch bệnh cam go, Bệnh viện Trung ương Huế nhận nhiệm vụ từ Bộ Y tế thiết lập Trung tâm thu dung, cấp cứu, điều trị cho người bệnh mắc COVID-19 nặng, nguy kịch.
Đầu tháng 8/2021, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp không ngại khó mà trực tiếp, khẩn trương vào “vùng đỏ” khảo sát, thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 (ICU) Trung ương Huế thuộc Bệnh viện Dã chiến số 14 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đặt tâm huyết cao nhất và mục tiêu hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong của người bệnh, Giáo sư Phạm Như Hiệp cùng tập thể đơn vị nhanh chóng hoàn thiện trung tâm với đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại, cơ sở khang trang sau chưa đầy một tháng.
Nhận nhiệm vụ tại trung tâm, nhiều bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Trung ương Huế cũng sẵn sàng có mặt từ sớm để chuẩn bị, vận hành trước nhằm đảm bảo hoạt động của đơn vị được thông suốt, an toàn ngay khi tiếp nhận bệnh nhân. Tiến sỹ, bác sỹ Trần Thừa Nguyên, Trưởng khoa Nội tổng hợp - Lão khoa, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, thời gian đầu khi vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, anh cùng các đồng nghiệp chưa thể hình dung ra được những khó khăn, thử thách phía trước do chưa có kinh nghiệm thiết lập, vận hành một trung tâm điều trị độc lập. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, chính quyền thành phố và Bệnh viện Trung ương Huế, các anh từng bước tìm ra quy trình, phương pháp tiếp nhận, điều trị hiệu quả mang lại kết quả tích cực.
Không chỉ đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao, các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên Bệnh viện Trung ương Huế còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong bộ áo quần bảo hộ nóng bức, mọi thao tác cấp cứu hay các bài tập phục hồi chức năng đều không thể thực hiện được một cách thoải mái, dễ dàng, trơn tru như thường lệ. Tuy nhiên, khi nhìn thấy bước đi chập chững của người bệnh sau cơn nguy kịch hay khi nghe tin họ được xuất viện, các "chiến sỹ áo blouse trắng" của Bệnh viện Trung ương Huế đều cảm thấy được tiếp thêm động lực. Mọi khó khăn tan biến nhường chỗ cho sự quyết tâm cứu sống người bệnh.
“Chúng tôi đã từng điều trị thành công cho cụ bà 95 tuổi nhiễm COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ được điều trị sớm cùng tinh thần lạc quan của cụ mà kỳ tích đã xuất hiện. Ngày rời trung tâm, cụ bà quyết tâm không ngồi xe lăn mà đặt chân bước đi để cảm nhận niềm vui. Việc cụ bà mạnh mẽ vượt qua dịch bệnh, đứng lên sau cơn nguy kịch đã truyền cảm hứng cho chúng tôi vượt qua khó khăn”, bác sỹ Nguyên nhắc lại kỷ niệm khó quên khi nhận nhiệm vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đằng sau những bước chân, niềm vui của người bệnh khi khỏi bệnh, đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế vẫn tiếp tục chiến đấu và chỉ “rút quân” khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Đơn vị cũng là một trong những lực lượng cuối cùng rời khỏi Thành phố Hồ Chí Minh và bàn giao Trung tâm ICU Trung ương Huế cho Bệnh viện Nhiệt đới (Thành phố Hồ Chí Minh) sau khoảng năm tháng thực hiện nhiệm vụ. Dù lắm vất vả nhưng các y, bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế không ngại là "người về sau" trong cuộc chiến chống COVID-19.
Nhiều thành công lớn trong điều trị COVID-19
Trong công tác phòng, chống dịch, Bệnh viện Trung ương Huế đã tích cực “chia lửa” cho ngành Y tế các địa phương, giúp nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 được khỏi bệnh. Không chỉ riêng tại thành phố mang tên Bác, hàng trăm cán bộ y, bác sỹ của bệnh viện đã viết đơn tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch tại nhiều tỉnh như: Phú Yên, Đồng Tháp, Bình Dương, Tiền Giang… Ở bất cứ nơi đâu, họ đều làm việc với tinh thần đầy trách nhiệm, cống hiến hết mình và đem lại nhiều thành công, tạo nên uy tín thương hiệu cho đơn vị.
Nhắc đến năm 2021, không thể không nhắc đến sự thành công của ngành Y tế đất nước trong cuộc chiến chống dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Bệnh viện Trung ương Huế với vai trò chủ lực, điều hành Trung tâm ICU Trung ương Huế đã được lãnh đạo Bộ Y tế và chính quyền thành phố ghi nhận, đánh giá cao.
Mặc dù là trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 được xây dựng và hoàn thành trong thời gian ngắn nhất nhưng Trung tâm ICU Trung ương Huế lại là đơn vị tiếp nhận thu dung, cứu sống tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch nhiều nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những trung tâm hỗ trợ rất hiệu quả với đa phương thức hoạt động từ cấp cứu hồi sức, điều trị, đào tạo, chỉ đạo tuyến, hội chẩn trực tuyến…
Trong gần 5 tháng hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận, điều trị hơn 1.800 bệnh nhân; trong đó có trên 1.600 bệnh nhân nặng từ các tuyến chuyển đến và thực hiện hơn 95.500 các thủ thuật, phẫu thuật đồng thời triển khai hầu hết các kỹ thuật cao cấp trong điều trị như lọc máu qua màng ECMO, lọc máy liên tục, chạy thận nhân tạo… qua đó, cứu sống rất nhiều bệnh nhân nguy kịch.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Trung tâm đã trải qua gần 5 tháng hoạt động và đạt được nhiều thành tựu. Dù tần suất người bệnh ra vào rất lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao khi tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh nhưng các y, bác sỹ tại đơn vị vẫn được an toàn, không để nhiễm bệnh. Chính vì thế, nhân lực và hiệu quả công việc được bảo đảm tối đa.
Là một trong những bác sỹ đầu tiên xung phong và bám trụ lâu nhất ở Trung tâm ICU Trung ương Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ Mai Thị Hồng Vân (Phó trưởng Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Huế) chia sẻ: Bên cạnh những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi nhận thấy thành công của chúng tôi trong cuộc chiến chống COVID-19 có phần lớn từ sự hỗ trợ, đào tạo chuyên môn, kiểm soát nhiễm khuẩn bài bản, kỹ càng từ đơn vị. Điều đó giúp chúng tôi củng cố thêm kiến thức, tự tin hơn khi nhận nhiệm vụ đặc biệt này. Ngoài ra, với tinh thần quyết tâm và sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau mà tập thể các y, bác sỹ tại trung tâm đã cùng nhau vượt qua khó khăn trong trận chiến chống COVID-19.
Mặc dù trong giai đoạn cam go dịch bệnh bùng phát, nhân lực của Bệnh viện bị phân tán do chi viện cho các tỉnh, thành phố khác nhưng các cơ sở của đơn vị tại Thừa Thiên – Huế vẫn hằng ngày hết lòng giúp đỡ, giành giật sự sống thành công cho nhiều người bệnh mắc COVID-19 nặng, nguy kịch khác tại khu vực miền Trung trong hơn một năm qua.
Đảm bảo thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu
Năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn đối với toàn hệ thống y tế nước ta. Hầu hết các "chiến sỹ áo blouse trắng" đều phải lao vào trận chiến chống COVID-19 trên khắp cả nước. Chính vì vậy, ngay tại các bệnh viện lớn, việc triển khai các kỹ thuật cao, mới cũng không dễ dàng thực hiện.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, số lượng bệnh nhân thăm khám, nhập viện điều trị trong một năm qua có giảm sút so với những năm trước do tâm lý lo ngại, chính sách đi lại khó khăn. Cá biệt, một số trường hợp đến muộn khi tình trạng trở nặng khiến các y, bác sỹ càng thêm “đau đầu”.
“Xác định mục tiêu phòng, chống dịch là mục tiêu chủ đạo nhưng đơn vị vẫn tăng cường, phát triển chuyên môn, kỹ thuật để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, điều trị theo kỹ thuật mới, khó, chuyên sâu nhằm đảm bảo đơn vị xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước”, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho hay.
Được biết đến là một trong những cơ sở y tế hàng đầu về lĩnh vực tim mạch của cả nước, đội ngũ y, bác sỹ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế đã ghép tim thành công cho bệnh nhân 23 tuổi, trú tại tỉnh Thừa Thiên – Huế dù đang trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.
Bác sỹ chuyên khoa II Đặng Thế Uyên (Trưởng khoa Gây mê hồi sức Tim mạch - Trung tâm Tim mạch) chia sẻ, qua 8 lần thực hiện ghép tim, đến nay ông và các đồng nghiệp đã nắm vững quy trình, kỹ thuật phẫu thuật, vận chuyển tạng, chăm sóc sau ghép… Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng một năm qua số lượng bệnh nhân đến đơn vị điều trị không bị giảm nhiều.
Ghép tế bào gốc cũng là một kỹ thuật mũi nhọn đang được triển khai tại Bệnh viện Trung ương Huế. Một bệnh nhi có u hạch Lymphoma Burkitt tái phát đã được các bác sỹ Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế điều trị thành công vào giữa tháng 9/2021. Đây là lần đầu tiên các bác sỹ Việt Nam triển khai thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc trên bệnh lý này.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Kim Hoa (Trung tâm Nhi khoa) cho biết, việc ghép tế bào gốc trong mùa dịch gặp nhiều khó khăn về nguồn máu. Ban Giám đốc Bệnh viện đã huy động nguồn máu từ chính đội ngũ tình nguyện, nhân viên y tế của đơn vị để phục vụ kịp thời việc điều trị cho bệnh nhi.
Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai ghép tế bào gốc tự thân cho các bệnh nhi mắc bệnh lý u đặc và ghép tủy đồng loại với hy vọng cứu sống thêm nhiều trẻ en không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, với phương châm thích ứng với tình hình bình thường mới, năm 2022 Bệnh viện Trung ương Huế sẽ quay lại quỹ đạo phát triển, thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu, phấn đấu triển khai các kỹ thuật khó, điều trị bệnh nặng song song với phòng, chống dịch. Từ đó, từng bước trở thành trung tâm y tế chuyên sâu, bệnh viện hạng đặc biệt và là một trong những bệnh viện hàng đầu của cả nước.
Năm mới 2022, với tỷ lệ tiêm phòng cao cùng các bài học rút ra sau hơn một năm chiến đấu với dịch bệnh, chúng ta hy vọng sẽ ngăn chặn được sự lây lan trên diện rộng và thích nghi an toàn với đại dịch COVID-19. Từ đó, đời sống, xã hội từng bước hồi phục và mạnh mẽ phát triển hơn.