Bệnh viện dã chiến đặt tại Trung tâm Thương mại Thành phố mới Bình Dương (WTC EXPO) - một trong những trung tâm hội nghị triển lãm lớn nhất Việt Nam được vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế với diện tích lên đến 22.000 m2, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cao cấp như: Hệ thống điện, nước, máy nén khí, bãi đậu xe, xử lý rác thải được trang bị hiện đại, đồng thời được thiết kế thuận lợi cho hầu hết mọi hoạt động.
Tổng Giám đốc Công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận - đơn vị hỗ trợ xây dựng bệnh viện, cho biết: Sau 5 ngày thi công, với sự nỗ lực của đội ngũ Becamex IDC, sự chung tay của các lực lượng trong tỉnh, Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1 được hoàn thành với quy mô 1.500 giường. Bệnh viện được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế, ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý đầy đủ như một bệnh viện thông thường với hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống trình ký văn phòng, website bệnh viện, hệ thống camera quan sát, nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng quy trình và vận hành bệnh viện một cách an toàn, chuyên nghiệp. Đặc biệt, các mẫu xét nghiệm, chụp X quang sẽ được chuyển đến hệ thống bệnh viện quốc tế Becamex, được đội ngũ y bác sỹ phân tích kết quả và được số hóa, truyền về Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1, nhanh chóng, chính xác để phục vụ cho công tác điều trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, cho biết trong những ngày gần đây, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, số ca dương tính trong cộng đồng tăng cao, ca bệnh đã xuất hiện ở 9/9 huyện, thị, thành phố và tại nhiều khu, cụm công nghiệp trong toàn tỉnh. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã cố gắng nỗ lực, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn đợt bùng phát, nhưng dự báo dịch còn diễn biến khó lường trong thời gian tới. Trước tình hình đó, tỉnh đang khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó nâng cao năng lực cơ sở thu dung cách ly, điều trị với việc thành lập thêm các bệnh viện dã chiến có quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tăng cường năng lực điều trị, kịp thời ứng phó với tình huống có nhiều ca nhiễm bệnh.
Đồng Nai: Đề nghị bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho người lao động
Ngày 18/7, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã ký Văn bản số 8261/UBND-KGVX về việc khẩn thiết đề nghị Bộ Y tế bổ sung vaccine phòng COVID-19.
Theo đó, tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày kể từ 00 giờ ngày 9/7/2021. Tỉnh đã thiết lập hơn 60 vùng cách ly y tế (phong tỏa) với 82.609 hộ và hơn 362.600 nhân khẩu. Tiến hành điều tra truy vết thần tốc các trường hợp F0 phát hiện qua khám sàng lọc tại các cơ sở y tế, qua xét nghiệm tầm soát diện rộng và tiến hành cách ly, khoanh vùng, xử lý các ổ dịch theo quy định. Hiện đang cách ly điều trị 1.007 ca COVID-19, cách ly tập trung 2.902 người, cách ly tại nhà 8.436 người, theo dõi sức khỏe tại nhà 1.349 người. Đồng thời tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương, đặc biệt là phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, mặc dù tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch nhưng với biến chủng Delta siêu lây nhiễm, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch tại nhiều địa phương. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều ổ dịch lớn tại các chợ dân sinh, khu nhà trọ công nhân và một số công ty thuộc các Khu công nghiệp như Khu công nghiệp Long Bình, Sông Mây, Long Thành, Lộc An - Bình Sơn, Nhơn Trạch 2. Một số doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp quy mô lớn với số công nhân lao động từ 10.000 đến 30.000 người như Công ty Pouchen, Công ty Changshin đã phát hiện nhiều ca mắc COVID-19. Cụ thể nhất là chỉ trong một tuần, từ ngày 10 - 17/7/2021, toàn tỉnh đã có 379 ca mắc mới được Bộ Y tế công bố. Nguy cơ dịch bùng phát, lây lan rộng trong các khu nhà trọ công nhân, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Tỉnh Đồng Nai đã được Bộ Y tế quyết định phân bổ 226.520 liều vaccine trong 2 đợt gần đây. Tuy nhiên, số vaccine này vẫn chưa đủ tiêm cho các đối tượng ưu tiên và miễn phí theo quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Đồng Nai hiện có trên 400.000 người thuộc nhóm đối tượng ưu tiên. Trong khi đó, gần 1,2 triệu lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài các khu công nghiệp đang bị đe dọa bởi dịch COVID-19 chưa có vaccine để tiêm phòng.
Với mong muốn có thêm vaccine để tiêm cho người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ, cấp bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho tỉnh Đồng Nai để tiêm cho người lao động nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Từ đó góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được liên tục, tránh sự đứt gãy chuỗi cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ.