Hiện sức khỏe của bệnh nhân Y Xuân (nữ, 65 tuổi) là kém nhất. Bà Y Xuân nhập viện vào trưa 26/3, đã được lọc máu, hiện huyết áp tụt, hôn mê, rối loạn nhịp tim và đang thở bằng máy.
Ba bệnh nhân còn lại là A Long, A Đoàn, A Hoàng đã được lọc máu và đang phải thở bằng máy.
Theo bác sĩ Võ Văn Thiện, nhờ được lọc máu sớm, sức khỏe của các bệnh nhân có tiến triển tốt hơn. Tuy nhiên, việc không có thuốc đặc trị kháng độc tố Clostridium Botulinum sẽ khiến việc điều trị gặp khó, thời gian kéo dài. Các bệnh nhân đã bị liệt cơ hô hấp, dễ suy hô hấp nên Bệnh viện phải tiến hành lọc máu thường xuyên cho họ. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã liên hệ với Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) để tìm thuốc kháng độc tố nhưng chưa có. “Chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực có thể để cứu chữa các nạn nhân. Mẫu bệnh phẩm của họ đã được gửi đi nơi khác làm xét nghiệm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả” - bác sĩ Võ Văn Thiện cho biết thêm.
Do các bệnh nhân trong chùm ca bệnh đều là người dân tộc thiểu số, cuộc sống khó khăn nên Tổ công tác xã hội của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã huy động nhiều nguồn ủng hộ để hỗ trợ cho các nạn nhân.
Trước đó, TTXVN đưa tin, từ tối 25/3 đến ngày 27/3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận, điều trị cho 4 bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm, gồm: A Hoàng (10 tuổi), A Long (22 tuổi), A Đoàn (21 tuổi) và Y Xuân (65 tuổi) đều trú tại thôn Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông. Các bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp, theo dõi ngộ độc Clostridium Botulinum.
Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2021, tại làng Kon Kum, xã Măng Cành, huyện Kon PLông đã xuất hiện chùm ca bệnh làm 2 người chết, 22 người nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Tác nhân gây ngộ độc được xác định là do vi khuẩn Clostridium Botulinum sinh độc tố tuýp E.