Tình trạng “nằm nền, phân vùng, chia khu vực biển, phân lô, bán mặt nước…” là hình thức thỏa thuận giữa tàu cá nghề lưới cào với ghe bẫy ốc mực. Không hợp đồng ký kết hay làm giấy giao kèo, đôi bên ngầm thỏa thuận theo kiểu “thuận mua, vừa bán”, cả hai cùng hưởng lợi.
Ông Nguyễn Thiện Hải (ấp An Phú, xã Nam Du) cho biết tình trạng này đã xuất hiện hơn 2 năm nay nhưng không đến mức tranh chấp, xung đột gay gắt giữa ngư dân với nhau. Trước đây, ghe bẫy ốc mực thường bị ghe lưới cào “ăn hiếp”. Họ thả bẫy ốc mực xuống biển thì bị ghe lưới cào đứt lưới ốc, cuốn trôi không tìm lại được. Nhiều ngư dân vỡ nợ vì bẫy ốc mực, không gượng lên được. Những ngư dân làm nghề bẫy ốc mực liên kết lại thành tổ đội, cùng hỗ trợ nhau trên ngư trường. Họ canh giữ thường xuyên, ngăn cản ghe lưới cào vào khu vực đã thả bẫy ốc mực; thả lưới bẫy ốc cố định một vùng nào đó, xác định bằng cờ phao trên mặt biển trong một thời gian dài nên mới gọi là “nằm nền”. Ghe lưới cào khi nhìn thấy cờ phao thì biết đó là vùng đang thả lưới ốc mực nên không vào đánh bắt được và muốn vào cào thì phải thỏa thuận chung chi.
Thả con giống xuống đầm Đông Hồ - Hà Tiên (Kiên Giang) tái tạo phát triển nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN |
Một số ngư dân làm nghề lưới cào cho hay, trên vùng biển mênh mông, không phải nơi nào cũng có tôm, cá, mực… do khai thác cạn kiệt, đánh bắt kém hiệu quả. Từ khi nhiều ngư dân “nằm nền” bẫy ốc mực thì gần như các loài thủy sản trên ngư trường tập trung về những khu vực biển đó sinh sôi, phát triển bầy đàn do lưới ốc chỉ đánh bắt duy nhất loài mực tuộc, không đánh bắt những loài thủy sản khác. Khi họ “nằm nền”, ghe cào không dám vào, nếu thỏa thuận vào được thì đánh bắt trúng đậm. Một mẻ lưới kéo lên số lượng thủy sản gấp đôi ba lần so với đánh khơi ngoài vùng bẫy ốc mực.
Bởi vậy, ngư dân lưới cào buộc phải thỏa thuận chung chi “tiền trao - cháo múc” dưới hình thức hỗ trợ tiền dầu nhớt, công sức canh giữ vùng biển, nhân công kéo lưới ốc lên để ghe lưới vào cào. Sau đó, họ thả bẫy ốc trở lại tiếp tục “nằm nền” chờ ghe cào khác đến thỏa thuận. Ngày qua ngày, ngư dân bẫy ốc thu về hai nguồn lợi là tiền thỏa thuận chung chi và tiền bán mực tuộc bẫy được. Ghe lưới cào rất bức xúc nhưng không có sự lựa chọn nào khác.
Ông Trần Văn Du, Phó Chủ tịch UBND xã đảo Nam Du (huyện Kiên Hải) cho biết việc ghe ốc và ghe nghề lưới cào thỏa thuận vùng khai thác đánh bắt thủy sản là có thật. Một số chủ phương tiện làm nghề lưới cào đã phản ánh trong những cuộc tiếp xúc cử tri, họp dân nhưng không chỉ ra được những vụ việc cụ thể, rõ ràng về đối tượng, số tàu chung chi tiền bạc mà chỉ nêu chung chung nên không có cơ sở để giải quyết. Hiện xã vẫn chưa tiếp nhận một đơn thư nào của ngư dân khiếu nại tranh chấp, yêu cầu giải quyết vấn đề “nằm nền” trên ngư trường.
Theo ông Trần Văn Du, xã Nam Du hiện có hơn 300 phương tiện đánh bắt thủy sản với sản lượng khai thác trên dưới 7.800 tấn/năm; trong đó từ 50 - 60 phương tiện làm nghề bẫy ốc mực. Nghề này phát triển khá lâu, ổn định và bền vững với ưu điểm nổi trội so là không hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên ngư trường.
Tuy nhiên, việc biến tướng “nằm nền, thỏa thuận chung chi” của ngư dân làm nghề bẫy ốc mực là hành vi vi phạm pháp luật cần được ngăn chặn. Xã Nam Du đã kêu gọi các chủ phương tiện tàu cá phải hết sức kìm chế, tránh gây xung đột trên biển để vừa khai thác đạt hiệu quả, đánh bắt đi đôi với tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, vừa trợ giúp nhau khi gặp hoạn nạn, đoàn kết, chung sức chung lòng bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Xã sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp biến tướng này nếu ngư dân phát hiện, trình báo và có đầy đủ chứng cứ, cơ sở chứng minh đối tượng vi phạm - ông Trần Văn Du khẳng định.