Những ngày này, cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) nhộn nhịp tàu cá ra vào bến, ngư dân nô nức chuẩn bị hành trang, ngư cụ cho những chuyến đi biển dài ngày.
Chuyển cá lên bờ tại cảng cá Thọ Quang. Ảnh: An Đăng - TTXVN. |
Lão ngư Trần Ban, phường Mân Thái, quận Sơn Trà cho biết: “Từ xưa đến nay, ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa là hai ngư trường đánh bắt chính của ngư dân miền Trung nói chung, ngư dân Đà Nẵng nói riêng. Hai ngư trường này chính là ngôi nhà thứ hai gắn bó với ông trong suốt hơn 40 năm qua”.
Trước hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lão ngư Trần Ban bức xúc cho biết: Gia đình ông đã nhiều đời làm nghề biển. Bao đời nay, chúng tôi khai thác tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền vùng biển Việt Nam, cản trở công việc làm ăn, mưu sinh của hàng triệu ngư dân. Ngư dân chúng tôi rất bất bình và cực lực lên án hành động phi pháp trên của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 về nước, trả lại ngư trường, nơi làm ăn sinh sống của chúng tôi từ bao đời nay”- ông Trần Ban cho biết.
Ngư dân Trần Toàn đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng cho chuyến ra khơi vài ngày tới. Vừa treo cờ Tổ quốc lên tàu, ông Toàn cho biết: Việc treo cờ lên đỉnh cabin thể hiện sự thiêng liêng và trách nhiệm của mỗi thành viên trên con tàu đối với biển cả quê hương, khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đây là con tàu mới hạ thủy của ông, có công suất 850 CV.
Còn ngư dân Lê Văn Lễ bày tỏ, bám biển mưu sinh là nghề cha truyền con nối đối với gia đình ông. Bảo vệ ngư trường cho thế hệ mai sau cũng chính là hành động góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Thời gian qua, để nâng cao năng suất đánh bắt thủy hải sản, ngư dân Đà Nẵng không ngừng đầu tư đóng mới, nâng công suất tàu, vươn khơi bám biển dài ngày. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, Đà Nẵng có 87 tổ khai thác, 4 nghiệp đoàn nghề cá với tổng số gần 500 thành viên. Các tổ, đội, nghiệp đoàn nghề cá này có trách nhiệm phối hợp, trợ giúp nhau trong những chuyến vươn khơi dài ngày, nhất là khi gặp mưa, bão, hải tặc.
Các tổ đội này còn phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Với khẩu hiệu “thuyền là nhà, ngư trường là quê hương”, khi Trung Quốc bành trướng hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngư dân Đà Nẵng cùng ngư dân cả nước đang nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, sáng tạo, liên kết chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy hải sản và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Để ngư dân yên tâm bám biển, thành phố Đà Nẵng đang có nhiều chính sách hỗ trợ đồng hành cùng ngư dân trong những chuyến vươn khơi. Cụ thể, khi đóng mới các tàu có công suất 400CV trở lên, ngư dân được thành phố hỗ trợ từ 500 - 800 triệu đồng/chiếc; hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên, đào tạo bằng thuyền trưởng, máy trưởng, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, bảo quản sản phẩm, cung cấp phao cứu sinh... Lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển cũng luôn đồng hành cùng ngư dân mỗi chuyến ra khơi để kịp thời xử lý những tình huống xấu xảy ra.
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng lãnh hải của Việt Nam không làm ngư dân sợ sệt mà càng khiến họ quyết tâm hơn, kiên cường hơn. Mỗi ngư dân là một chiến sĩ, mỗi con tàu là một cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Đinh Nhiều