Mô hình nuôi tôm quảng canh ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. |
Những cây cầu mới được bắc, những con đường trải nhựa hoặc bê tông thẳng tắp thay cho những cung đường lầy lội bùn đất năm nào. Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo là một trong những yếu tố chủ lực tạo nên những đổi thay trên.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, việc triển khai lồng ghép các nguồn vốn và các chính sách theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dự án trong 5 năm qua đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân gần 3%/năm.
Bên cạnh đó, nhờ Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp đối với các xã đặc biệt khó khăn ven biển, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã bãi ngang ven biển Bạc Liêu đã giảm gần 4.200 hộ trong 5 năm qua, từ trên 5.000 hộ vào đầu năm 2011 xuống còn hơn 800 hộ vào cuối năm 2015.
Tương tự, trong vòng 5 năm qua, số hộ cận nghèo trên địa bàn các xã bãi ngang ven biển cũng giảm từ 2.429 hộ xuống còn gần 700 hộ vào thời điểm cuối năm 2015.
Năm 2011, An Phúc (huyện Đông Hải) là xã đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bạc Liêu được hưởng chính sách đầu tư vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của Chính phủ.
Đến năm 2013, tỉnh Bạc Liêu có 8 xã thuộc hai huyện và một thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển theo quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015.
5 năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã lồng ghép nhiều nguồn vốn, đầu tư trên 169,7 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ tiền điện, chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc trên địa bàn các xã bãi ngang ven biển.
Du khách đến tham quan du lịch sinh thái huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. |
Chị Nguyễn Thị Thanh, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu chia sẻ, so với trước đây thì hiện nay đời sống người dân ở các xã ven biển thay đổi rõ rệt. Điều nhận thấy rõ nhất cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm…được đầu tư khang trang; người dân được tạo điều kiện, tăng gia sản xuất, có việc làm ổn định; trẻ em, học sinh được học hành đến nơi đến chốn...
Bà Trần Hồng Chiến, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết: Việc thực hiện các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng và các chính sách ưu đãi khác cho 8 xã bãi ngang ven biển đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Khmer và dân tộc Hoa.
Nhờ được hưởng lợi từ các công trình, dự án bãi ngang, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong vùng dự án đã có bước khởi sắc, nhiều mô hình làm ăn mới được mở, giúp các hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, Quyết định số 539/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Tuy nhiên, để chủ trương trên ngày càng phát huy hiệu quả, các bộ, ngành Trung ương cần ban hành cơ chế quản lý, điều hành, thực hiện thống nhất với tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng vốn đầu tư cho các chương trình, dự án; sớm giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc…
Tỉnh Bạc Liêu có 8 xã thuộc 2 huyện và thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển là: xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A (Hòa Bình); An Phúc, Điền Hải, Long Điền Tây, Long Điền Đông (Đông Hải) và xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu).
Đây là 8 xã vùng ven biển, ngành sản xuất chính của người dân ở đây là nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.