Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Tỉnh ủy chỉ đạo Sở, ngành chức năng, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ và cùng với các địa phương trong tỉnh tăng cường quản lý, tuần tra kiểm soát ngư trường; hướng dẫn, quản lý việc đánh bắt hải sản theo đúng quy định. Đặc biệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, kịp thời ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Theo đó, tỉnh Kiên Giang tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU, Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, tỉnh áp dụng chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp. Kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan để tàu cá địa phương tiếp tục vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Theo Ban Chỉ đạo tỉnh Kiên Giang về IUU, thời gian qua, việc kiểm soát tàu cá của ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử lý 37 vụ với 47 phương tiện, phạt gần 3,5 tỷ đồng, tước giấy phép có thời hạn 37 tàu cá khai thác hải sản và 14 bằng thuyền trưởng.
Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh khẩn trương hoàn tất việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến. Đến thời điểm này, tổng số tàu cá tỉnh quản lý, đăng ký 9.858 chiếc; trong đó tàu chiều dài từ 15 m trở lên 3.990 chiếc và đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 2.775 chiếc.
Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang giám sát chặt chẽ các hoạt động của tàu cá ngư dân trên ngư trường. Ông Nguyễn Quốc Trường, Trưởng phòng thanh tra pháp chế Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết: “Hàng ngày, nếu phát hiện tàu cá nào đó vượt ranh giới vùng biển Việt Nam, cán bộ chi cục điện thoại nhắc nhở ngay chủ tàu, yêu cầu thuyền trưởng đưa tàu về vùng biển Việt Nam; đồng thời những tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình yêu cầu phải mở thiết bị 24/24 giờ. Đối với những tàu cá đã nhắc nhở mà chủ tàu không đưa tàu cá về vùng biển Việt Nam hay không bật thiết bị giám sát hành trình thì Chi cục Thủy sản làm văn bản cảnh báo gửi các chủ tàu và cơ quan chức năng phối hợp xử lý khi tàu về bờ.”
Mặt khác, để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành, đơn vị chức năng và các địa phương có biển yêu cầu 100% thuyền trưởng, chủ tàu khai thác xa bờ ký giấy cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp trong quản lý tàu cá và các hoạt động khai thác thủy sản trên biển với các tỉnh ven biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và với các lực lượng bảo vệ biển trên địa bàn như: Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4, Hải đoàn 28, Kiểm ngư Vùng 5.
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Kiên Giang chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến theo đúng quy định.
Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho hay, mọi phương tiện ra vào trạm kiểm soát biên phòng phải được kiểm tra đầy đủ mới cho xuất, nhập bến. Đơn vị kiên quyết không cho ra khơi đối với các trường hợp chưa đảm bảo điều kiện hoạt động như Giấy phép khai thác hết hạn, phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, sổ nhật ký khai thác, không lắp thiết bị giám sát hành trình…
Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phối kết hợp với cơ quan chức năng điều tra, thống kê đầy đủ các phương tiện tại địa bàn, phân loại tàu cá vi phạm, tái phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm.
Anh Lê Thanh Dũng ở xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang có tàu đánh bắt xa bờ chia sẻ: "Hiện tại, tôi còn 3 cặp tàu đang hoạt động khai thác đánh bắt trên biển cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Tôi thấy nhiều người sang vùng biển các nước đánh bắt trái phép bị bắt giữ gánh chịu hậu quả nặng nề. Cụ thể là tốn nhiều tiền để chuộc tàu và ngư phủ, bị xử phạt, không tiền trả nợ vay, nợ nần chồng chất, bị rút giấy phép khai thác và bằng thuyền trưởng, không được hưởng những ưu đãi của Nhà nước về khai thác đánh bắt thủy sản, đời sống kinh tế gia đình kiệt quệ…"
Theo anh Dũng, tỉnh Kiên Giang cần đẩy mạnh thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định pháp luật liên quan về chống khai thác IUU, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về chống khai thác IUU đến với cộng đồng ngư dân. Ngoài ra, tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU…