Bảo vệ môi trường biển
Những năm qua, bảo vệ môi trường biển, hải đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng luôn là một trong những nội dung trọng tâm của Chiến lược biển Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường, Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Theo đó, quan điểm xuyên suốt là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, chất lượng công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, cảnh báo gió mạnh trên biển ngày càng đạt độ chính xác cao nên đã hỗ trợ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, giảm thiệt hại về người trên biển do bão, áp thấp nhiệt đới.
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được phê duyệt thực hiện tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 ngay trước thềm Hội nghị COP22 thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ thể hiện quyết tâm phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, có 3 lĩnh vực quan trọng trong bảo vệ môi trưởng biển, hải đảo là: ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải vào biển (từ đất liền, trên biển); khai thác hợp lý và sử dụng bền vững tài nguyên; ngăn ngừa tác hại của thiên tai và sự cố môi trường.
Về ngăn chặn, xử lý ô nhiễm và sự cố môi trường biển, các bộ, ngành và địa phương tích cực xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chủ động điều tra, thống kê các nguồn thải ra môi trường biển, quan trắc môi trường biển, đầu tư kinh phí xây dựng các hệ thống xử lý chất thải tại các khu vực ven biển và thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường biển như: Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại các địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh ven biển; quy định bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Hóa chất năm 2007 và các văn bản khác có liên quan; xây dựng mới, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm từ các nguồn thải trên đất liền; rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Các bộ, ngành và địa phương đã phối hợp xử lý các sự cố gây ô nhiễm biển như: Vụ tàu chở hàng Onnekas One (Malaysia) gặp nạn trên khu vực biển tỉnh Thừa Thiên Huế (ngày 23/12/2012); sự cố sà lan AZ Beijing chìm tại Kiên Giang năm 2012; sự cố môi trường biển do Tập đoàn Formosa gây ảnh hưởng đến khu vực biển miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) từ ngày 6-29/4/2016; sự cố 10 tàu hàng gặp nạn do bão số 12 tại vùng biển Quy Nhơn tháng 11/2017…
Chính phủ xem xét, phê duyệt, triển khai nhiều kế hoạch, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu, Công ước quốc tế về an toàn công-ten-nơ, Công ước lao động hàng hải…) cũng như nghiên cứu, đề xuất gia nhập các điều ước khác liên quan đến bảo vệ môi trường biển.
Theo báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở đánh giá chất lượng nước biển thông qua Hệ thống quan trắc môi trường biển định kỳ nhiều năm, có thể thấy chất lượng nước biển ven bờ và xa bờ ở các vùng biển Việt Nam khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng cho chất lượng nước biển nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn Việt Nam QCVN 10-MT:2015/BTNMT.
Tuy vậy, do ảnh hưởng từ khu vực cửa sông và sự tiếp nhận chất thải của các hoạt động phát triển kinh tế ven biển, một số vùng biển có hàm lượng chất rắn lơ lửng cao. Bên cạnh đó, sự gia tăng hàm lượng chất hữu cơ, dầu mỡ là những vấn đề quan ngại đối với chất lượng nước biển ven bờ những năm gần đây.
Các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu ở Bắc, Trung, Nam đã được hình thành, hoạt động khá hiệu quả những năm gần đây, các trung tâm đang hoàn thiện phương pháp đánh giá ô nhiễm tràn dầu trên biển, xác định các khu vực nhạy cảm tràn dầu và đề xuất phương pháp tính toán lượng giá tổn thất do ô nhiễm tràn dầu và ô nhiễm môi trường.
Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện hệ thống các tiêu chí về đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên, môi trường biển trên 16 vùng biển trọng điểm với tỷ lệ 1/100.000 và 1/50.000, đồng thời xây dựng bản đồ cảnh báo sự cố tràn dầu trên biển. Đến nay, đã có 23 địa phương ven biển phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh.
Trong công tác bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển, cùng với bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt, việc bảo vệ và phát huy các giá trị hệ sinh thái biển càng trở nên quan trọng. Đến nay, các Bộ, ngành và địa phương có biển đã tích cực trồng rừng ngập mặn, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái ven biển, quy hoạch 16 khu bảo tồn biển.
Để đánh giá mức độ khả năng phục hồi các hệ sinh thái điển hình gồm rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành nghiên cứu mặt rộng các vũng vịnh, vùng cửa sông và 4 vùng trọng điểm (vịnh Hạ Long, cửa Ba Lạt, đầm phá Tam Giang-Cầu Hai và Côn Đảo).
Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết: Nhiệm vụ trong tâm của Tổng cục thời gian tới là tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, đặc biệt là vùng biển ven bờ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn thải từ đất liền ra biển; quản lý chặt chẽ hoạt động nhận chìm ở biển; chú trọng công tác phòng ngừa, kịp thời, chủ động ứng phó với các sự cố môi trường, đặc biệt là sự cố tràn dầu, hóa chất độc xảy ra trên biển; chủ động thích nghi, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đẩy mạnh các hoạt động ứng phó và thích ứng; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, tránh, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn đối với các vùng ven biển; khắc phục sạt lở bờ biển; bảo vệ, phục hồi, phát triển rừng ngập mặn, rừng chắn cát ven biển.
Ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Quán triệt quan điểm “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, các địa phương chủ động đề ra các giải pháp cụ thể phòng chống hạn, xâm nhập mặn, có biện pháp nhằm ổn định đời sống và sản xuất.
Đồng thời, rà soát, gắn kết chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu từng địa phương, từng vùng và cả nước; triển khai nhiều dự án trọng điểm ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Hoạt động đánh giá mức độ biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng được chú trọng hơn, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng chi tiết đến từng địa phương trong cả nước.
Đến nay, kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng được cập nhật 3 lần vào các năm 2009, 2012, 2016. Trong đó, kịch bản năm 2016 được xây dựng chi tiết cho 63 tỉnh, thành phố và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chi tiết cho 150 trạm khí tượng…
Đồng thời, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu, nước biển dâng gắn với mô hình số độ cao phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội với việc xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt chi tiết đến cấp xã đối với các khu vực có bản đồ địa hình tỉ lệ 1:2.000.
Về nguy cơ nước biển dâng, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 16,8% diện tích Đồng bằng sông Hồng; 4,89% diện tích tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ bị ngập; khoảng 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận chìm dưới mực nước biển. Đồng thời, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao với khoảng ,9% diện tích dưới mực nước biển, trong đó tỉnh Kiên Giang là tỉnh ven biển có nguy cơ ngập cao nhất lên đến 77% diện tích.
Thời gian qua, Chính phủ xây dựng và ban hành nhiều chính sách liên quan đến nghiên cứu, giám sát biển đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai... Đặc biệt, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015 đã được triển khai với nhiều đề tài.
Tiếp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 172/QĐ-BKHCN phê duyệt “Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020” do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện nhằm ứng dụng có hiệu quả công cụ, mô hình tiên tiến trong giám sát biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại các vùng trọng điểm như: Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Hồng.
Cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác dự báo, cảnh báo phục vụ phòng chống thiên tai được đầu tư và có bước chuyển biến rõ rệt những năm qua. Hiện nay, độ chính xác trong bản tin dự báo bão của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng cao hơn, cụ thể hơn, gần gũi với đối tượng sử dụng thông tin, phục vụ tốt cho xã hội, cơ bản đáp ứng những yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lắp đặt và thử nghiệm thành công 10 trạm cảnh báo sóng thần, dự kiến hoàn thành hệ thống trực canh, cảnh báo sóng thần tại 7 tỉnh miền Trung trong năm 2018.
Những năm qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai được lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế - xã hội vùng và địa phương phù hợp với kịch bản nước biển dâng.
Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) đã hỗ trợ xây dựng 358 hành động chính sách liên quan, triển khai Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; 63/63 tỉnh, thành phố và 10 bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; 39/63 tỉnh, thành phố hoàn thành phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai; 28/63 tỉnh, thành phố xây dựng phương án ứng phó thiên tai.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết: Tổng cục đang xây dựng và triển khai Đề án tăng cường năng lực chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố môi trường, đặc biệt là sự cố tràn dầu, hóa chất, phóng xạ, hạt nhân và thiên tai bão lũ, động đất, nước biển dâng giai đoạn đến năm 2030.
Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, tính toán tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thực hiện các biện pháp ứng phó tại các vùng ven biển. Trong đó, tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, hiện đại, có độ tin cậy cao; thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, chú trọng xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tự động liên tục đối với khu vực vùng bờ.