Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về chống IUU cho biết, tỉnh tập trung quyết liệt, sâu sát, đồng bộ các giải pháp chống IUU.
Các ngành chức năng và địa phương đồng loạt mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm tàu cá vi phạm, thành lập nhiều tổ điều tra, xác minh, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Các đơn vị chức năng Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phòng chống IUU trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực nên hạn chế tình trạng tàu cá ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài.
Mặt khác, qua tuyên truyền, vận động của ngành chức năng, địa phương, sự hiểu biết, trách nhiệm, ý thức của chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, các doanh nghiệp thủy sản về những quy định của pháp luật về chống IUU được nâng lên.
Theo Ban Chỉ đạo về chống IUU tỉnh Kiên Giang, tỉnh hiện có đoàn tàu đánh bắt xa bờ với chiều dài tàu từ 15 m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 3.707 tàu. Đến nay, có 3.652 tàu cá đã lắp đặt thiết bị này, số tàu lại do chưa lắp đặt thiết bị nên đang ngừng hoạt động.
Hiện nay, công tác phòng chống IUU của tỉnh rất tích cực, bước đầu ngăn chặn, hạn chế tàu cá ngư dân vi phạm IUU. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng thực hiện hơn 290 cuộc gọi đối với 225 tàu vượt ranh giới trên biển và có 190 tàu quay về vùng biển Việt Nam; thực hiện gần 20.000 cuộc gọi đối với 1.811 tàu mất kết nối trên biển và đã có 1.059 tàu bật lại thiết bị giám sát hành trình kết nối với hệ thống giám sát, phát hành thông báo đối với 752 tàu mất kết nối trên biển.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống IUU tỉnh nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ, Công an tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Công an các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh về đấu tranh với các đối tượng tổ chức, môi giới xuất, nhập cảnh trái phép để khai thác hải sản trái phép ở các vùng biển nước ngoài.
Qua đó, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên lĩnh vực khai thác, xuất, nhập khẩu hải sản, đảm bảo thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an trong việc phòng chống IUU, đấu tranh, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân của các tỉnh, thành phố vi phạm khai thác hải sản trái pháp luật ở vùng biển nước ngoài, quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Trong một diễn biến khác, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cùng với UBND hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau phối hợp, thống nhất đưa ra giải pháp tổng kiểm tra tàu cá trên biển và phòng chống IUU. Theo đó, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng chức năng hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ tuyên truyền đến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm khai thác hải sản theo đúng quy định của pháp luật.
Các đơn vị chức năng thống nhất kế hoạch tuần tra chung, phối hợp trao đổi thông tin, điều tra, xác minh, tiếp nhận xử lý tàu cá vi phạm IUU. Qua đó, kiên quyết sớm chấm dứt hoàn toàn tình trạng vi phạm IUU trên vùng biển Tây Nam, góp phần thúc đẩy EC gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam.