Dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ Clay Doss, các nguồn tin trên cho biết Mỹ đã triển khai tàu sân bay USS John C. Stennis và các tàu hộ tống gồm 2 tuần dương hạm USS Mobile Bay và USS Antietam, 2 khu trục hạm USS Stockdale và USS Chung-Hoon tới Biển Đông vào ngày 1/3. Ngoài ra, soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7 có căn cứ tại Nhật Bản cũng đi cùng nhóm tàu sân bay này.
Ông Doss cho hay đội tàu sân bay nói trên tiến hành tuần tra định kỳ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc mới đây đã triển khai các chiến đấu cơ, rađa quân sự và tên lửa phòng không trên các đảo nước này bồi đắp trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Quan chức này tuyên bố Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện thường xuyên tại Biển Đông và các tàu thuộc Hạm đội 7 năm ngoái đã hoạt động tổng cộng 700 ngày tại vùng biển này.
Tàu sân bay USS John C. Stennis. |
Ông Doss cho biết thêm nhóm tàu sân bay Mỹ đã tới khu vực Tây Thái Bình Dương vào ngày 4/3 trong lộ trình một đợt triển khai quân từ bờ biển phía Tây của Mỹ. Tuần trước, tàu khu trục USS McCambell và tàu đổ bộ USS Ashland cũng vừa hoàn tất các chuyến tuần tra ở Biển Đông. Trong khi đó, tờ “Tin tức Quốc phòng” (Defense News) cho hay USS John C. Stennis là một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu này đã đi vào “các vùng biển có tranh chấp” ở Biển Đông, trong một động thái nhằm phản ứng lại những căng thẳng tại vùng biển này. Bài viết đánh giá quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng sau khi Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không hiện đại tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, tờ báo cho biết ông Doss đã hạ thấp tính nghiêm trọng của việc Hải quân Mỹ hiện diện tại khu vực này khi cho rằng các tàu chiến và máy bay của Mỹ đã có mặt ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, từ nhiều năm.
Báo “USA Today” cùng ngày dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng việc Mỹ điều tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz USS John C. Stennis và các tàu hộ tống tới Biển Đông phát đi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc và khu vực. Jerry Hendrix, một thuyền trưởng Hải quân Mỹ về hưu và hiện là chuyên gia phân tích của Trung tâm An ninh Mỹ mới có trụ sở tại Washington D.C, đánh giá với việc triển khai nhóm tàu sân bay lớp tấn công và một soái hạm tới Biển Đông “rõ ràng Hải quân và Bộ Quốc phòng Mỹ đang chứng tỏ cam kết trọn vẹn về sự hiện diện và tự do hàng hải tại khu vực này. Hải quân Mỹ cho thấy mối quan tâm của họ, cùng với đó là khả năng có mặt trên khắp thế giới”.
Tháng 10/2015, tàu khu trục USS Lassen của Mỹ cũng đã tiến hành một chuyến tuần tra bên trong khu vực rộng 12 hải lý xung quanh một đảo mà Trung Quốc mới bồi đắp thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, hành động mang tính thách thức đầu tiên nhằm vào những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh kể từ khi Trung Quốc bắt đầu các dự án bồi đắp đảo ở đây. Ngày 30/1/2016, tàu khu trục Curtis Wilbur đã có chuyến tuần tra gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang xâm phạm. Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ ngày 24/2, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM), Đô đốc Harry Harris, cáo buộc Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông nhằm thực hiện tham vọng thiết lập bá quyền khu vực này.