Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nhấn mạnh “Washington không muốn Bắc Kinh sử dụng lực lượng hải quân để đe dọa các tàu đánh cá trong khu vực”.
Một tàu của hải quân Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng cảnh báo Trung Quốc không được quân sự hóa Biển Đông nếu không muốn “hứng chịu hậu quả” vì những hành động tại khu vực này.
Ông cho biết quân đội Mỹ sẵn sàng tăng cường điều động tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ chi thêm 425 triệu USD cho các hoạt động diễn tập quân sự chung với những nước trong khu vực cũng như tăng cường hạm đội tàu ngầm và máy bay không người lái tại đây.
Theo Reuters, chính quyền Philippines ngày 2/3 cũng tố cáo Trung Quốc điều tàu đến một bãi san hô trên Biển Đông, ngăn chặn tàu cá của ngư dân Philippines, làm gia tăng căng thẳng ở vùng biển này. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết các tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã xuất hiện ở bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa, làm dấy lên quan ngại về việc Bắc Kinh có thể đang kiểm soát khu vực này. Các tàu của Trung Quốc đã rời đi khi chính phủ Philippines tiến hành kiểm tra khu vực trên.
Ảnh vệ tinh chụp bãi Hải Sâm. Ảnh: NASA. |
Bộ Ngoại giao Philippines đã kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ngày 25/2, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông".
Ông Lê Hải Bình khẳng định: "Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.