Vụ việc chiếc xe buýt của CLB Fenerbahce bị trúng đạn khi đang trên đường rời sân khách tiếp tục dấy lên nỗi lo ngại về nạn bạo lực từ lâu vẫn lan tràn trên sân cỏ toàn thế giới.
Không kiểm soát ở Thổ Nhĩ KỳĐầu tháng 4, làng bóng đá thế giới chấn động chiếc xe buýt chở các cầu thủ của CLB Fenerbahce (Thổ Nhĩ Kỳ) đã bị tấn công bằng súng khi đang trên đường trở về trụ sở CLB sau một trận thi đấu trên sân khách. Các nhà chức trách đã quy trách nhiệm của vụ việc cho các băng đảng vũ trang quanh khu vực thành phố Trabzon. Rất may cho Fenerbahce khi không có ai trong số 41 thành viên của đội bóng trên xe bị ảnh hưởng tính mạng nhưng vụ việc đã khiến người lái xe bị thương do thủy tinh văng trúng. 5 vết đạn trên cửa kính xe là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy bạo lực thể thao rất đáng báo động.
CĐV quá khích đội Diyarbakirspor ném đá khiến trọng tài ngã ra sân. Ảnh: Reuters |
Vụ việc làm người ta nhớ lại trận đấu derby giữa Fenerbahce - Galatasaray ngày 25/10/2009. Ngay trên SVĐ, trợ lý trọng tài Tarik Ongun bị pháo sáng ném trúng, bất tỉnh. Thật bất ngờ, trận đấu vẫn diễn ra đúng giờ và trọng tài Ongun vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ với 5 vết khâu ở đầu như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Chỉ vài tháng sau, thêm một trọng tài của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ bị thương vì bạo lực sân cỏ. Lần này là Kemal Yilmaz cũng bị một hòn đá từ phía các CĐV ném tới và ngã ra sân bất tỉnh trong trận đấu thuộc Super League giữa Diyarbakirspor và Bursaspor. Trận đấu sau đó của Diyarbakirspor cũng bị hoãn do các CĐV tràn xuống sân định tấn công trọng tài.
Tháng 9/2010, HLV đội bóng giải hạng nhất Thổ Nhĩ Kỳ Idmanyurdu, ông Yuksel Yesilova, bị đâm tới 6 vết ngay trên đường pitch. Vụ tấn công không cướp đi mạng sống của ông nhưng người sinh viên 19 tuổi ở vụ việc sau đó không được may mắn như vậy. Tháng 5/2013, CĐV Burak Yildirim bị đâm chết trong ngày diễn ra trận derby thành Istanbul do mặc áo Fenerbahce. Năm 2014, thêm hai vụ bạo lực sân cỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cựu cầu thủ của Everton Manuel Fernandes bị đá ngã gục ra sân, tiền đạo Burak Yilmaz của Galatasaray bị thương nặng vào mặt do một CĐV ném con dao bỏ túi xuống SVĐ Rize Sehir.
Thông thường ở các nước, sau các vụ bạo lực sân cỏ, các án phạt được đưa ra đặc biệt là án phạt cấm thi đấu hay dừng trận đấu ngay lập tức. Nhưng ở Thổ Nhĩ Kỳ, mọi việc không được xử lý như thế ngay cả khi chiếc xe buýt của đội Fenerbahce bị tấn công sau khi có trận thắng đội Rizespor. Điều nguy hiểm là khi ấy, chiếc xe đang đi với tốc độ 100km/h và nếu tài xế mất lái, chiếc xe hoàn toàn có thể bị ngã xuống vực.
Sau các rắc rối, lượng khán giả thực sự đến sân để xem bóng ngày càng giảm sút. Ở mùa giải 2008 - 2009, lượng khán giả đến sân giảm còn trung bình 9.000 người/trận.
Chỉ có những án phạt thật nặng mới phần nào ngăn chặn được bạo lực. Nhưng ở Thổ Nhĩ Kỳ, một CĐV quá khích từng chạy vào sân đá cầu thủ Fernandes kể trên hồi năm 2013 chỉ nhận án phạt tù 1 năm. Sau án phạt, CĐV này vẫn tiếp tục vào sân xem các trận đấu do những thiết sót của luật phòng chống bạo lực thể thao. Chủ tịch một CLB lớn tiếng đe dọa trọng tài khó lòng ra khỏi sân này nếu xử thua đội của ông ta cũng chỉ nhận án phạt cấm ra sân xem trực tiếp đội nhà đá trong 60 ngày.
Các ngôi sao bóng đá nước ngoài vừa đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng sớm rời giải chỉ sau 1 mùa như Demba Ba và Moussa Sow cũng vì nỗi lo sợ bạo lực sân cỏ.
Chuyện không riêng của quốc gia nào
Bạo lực học đường khiến các trọng tài, cầu thủ và cả CĐV đều không an toàn mỗi khi đến SVĐ. HLV đội Juventus từng phát biểu: “Chỉ có điên mới đưa trẻ đi xem bóng đá ở Italy”. Điều này cũng tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Điểm qua nạn bạo lực trên toàn thế giới, ở quốc gia nào bạo lực cũng xuất hiện.
Nạn bạo lực ngày càng gia tăng ở Brazil. Đến cuối năm 2013, một kỷ lục đau xót về số người chết do bạo lực bóng đá được ghi nhận ở đất nước này trong trận Atlético Paranaense gặp Vasco de Gama, trận đấu cuối cùng của mùa giải. Một chuyện buồn nhất trong lịch sử bóng đá thế giới khi có 30 người chết sau vụ hỗn chiến sau trận đấu này.
Ngay tại châu Âu, người ta cũng liên tục phải đối phó với bạo lực sân cỏ. Trước thềm Euro 2012, nước đồng chủ nhà Ba Lan vội vã cho sửa chữa SVĐ theo chiều hướng bảo vệ an toàn tuyệt đối trước nạn bạo lực đang dấy lên ở đất nước này, đặc biệt trước các CĐV quá khích người Romania cùng bảng với đội bóng Ba Lan. Ở Romania, CĐV quá khích còn tạo thành nhóm. Năm 2011, hậu vệ đội Steaua Bucharest bị CĐV lao vào sân đánh gẫy xương gò má và điếc một tai. Thủ thành Ciprian Tatarusanu của đội Steaua cũng từng bị CĐV làm bỏng lưng khi bị pháo sáng từ khu vực khán đài ném trúng. Tại Italy, các cầu thủ vẫn còn bị ám ảnh bởi bạo lực sân cỏ.
Châu Phi cũng góp vào nạn hooligan với vụ việc xảy ra vào tháng 2/2012 tại Ai Cập. Vụ xô xát giữa các CĐV đội Al-Masry và Al-Ahly khiến 79 người bị chết. 21 CĐV bị nhận án tử hình do gây ra thảm họa kể trên.
Để chuẩn bị cho World Cup 2018, một đạo luật mới về bạo lực thể thao được nước Nga đặt ra cũng từ những kỷ niệm đau thương trước đó. Năm 2010, trong một trận hỗn chiến giữa CĐV và cảnh sát, một CĐV đội Spartak Moscow đã bị chết. Đạo luật mới quy định bất cứ CĐV nào “gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng” đều bị phạt 300 bảng, phục vụ lao động công ích đồng thời bị cấm tới sân xem bóng đá 7 năm. Luật này được áp dụng tại tất cả các sân. Một danh sách đen sẽ được lập ra ngay từ năm 2013 để thanh lọc các CĐV quá khích ngay trước rất xa World Cup 2018. Nhưng ngay cả như vậy, người ta vẫn thấy bạo lực diễn ra trong các trận cầu lớn của đất nước này như việc CĐV đội Zenit đốt cờ đội Terek Grozny, thủ môn đội Dynamo Moscow nhập viện vì trúng pháo sáng hay các án phạt thi đấu không có CĐV diễn ra liên tiếp.
Rõ ràng, bạo lực sân cỏ đang là “bệnh dịch” đang rất cần được chấm dứt.