Các đại diện VPF, lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và lãnh đạo 27 đội đang tham dự V-League 2021 và Giải hạng Nhất 2021 sẽ cùng tham dự.
Trước đó, ngày 6/8/2021, VPF đã có công văn số 265/VPF-TCTĐ gửi các đội bóng, thông báo kế hoạch tiếp tục tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia 2021 theo nội dung Nghị quyết số 228/NQ-BCH LĐBĐVN phê duyệt ngày 6/8/2021 của VFF.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngày 21/8/2021 Hội nghị Ban Chấp hành VFF khóa VIII đã chỉ đạo, giao cho VPF tổ chức họp trực tuyến với các CLB để xem xét việc huỷ tổ chức các giải Bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia 2021.
Tại cuộc họp trực tuyến lần này, một trong những chủ đề quan trọng nhất là dừng giải theo cách nào. Tức thứ hạng các đội ở V-League và hạng Nhất cũng như các suất tham dự AFC Champions League và AFC Cup sẽ cần được thống nhất.
Điều lệ VFF, quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, điều lệ V-League 2021 không có quy định về việc dừng giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giữa chừng vì lý do dịch bệnh. Vì vậy, khi giải đấu đã đi được một nửa chặng đường, việc VFF, VPF sẽ xử lý thế nào đối với quyền lợi của các CLB, nhà tài trợ sẽ gây nhiều tranh cãi.
Trong khi đó, việc V-League 2021 dừng lại ngay ở vòng đấu thứ 12 khiến nhiều đại diện lãnh đạo đội bóng thở phào trước bài toán tài chính.
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay đang có 27 CLB (trong đó có 14 CLB V-League, 13 CLB hạng Nhất), với quân số trung bình 30 - 40 cầu thủ/đội, cùng với đội ngũ cán bộ, nhân viên của các CLB.
Việc dừng giải đấu được cho là quyết định không quá khó với nhà tổ chức, nhưng với cầu thủ, việc kiếm sống của họ trong thời gian tới sẽ gặp vô vàn khó khăn. Từ tháng 5 đến nay, V-League, hạng nhất, Cúp quốc gia đã dừng thi đấu vì dịch COVID-19, nhiều CLB để tạm duy trì đã giảm lương của cầu thủ và người lao động.