1. Thủ thành Donnarumma (Italy)
Thủ thành 22 tuổi này không để thủng lưới một bàn nào suốt 3 trận vòng bảng và tiếp tục thể hiện sự vững vàng giúp Italy lọt vào trận chung kết bao gồm màn trình diễn ấn tượng ở trận Tứ kết gặp đội tuyển Bỉ, cũng như hai lần cản phá các cú sút luân lưu ở trận Bán kết gặp Tây Ban Nha. Những lùm xùm về quyết định chuyển đến câu lạc bộ Paris Saint Germain (Pháp) của anh cũng vì thế dần lắng xuống.
2. Hậu vệ Coufal (CH Séc)
Sau khi gây ấn tượng mùa trước cùng câu lạc bộ West Ham (Anh), Coufal gây chú ý khi cùng đội tuyển CH Séc hiện diện ở vòng Tứ kết. Ngoài sự vững vàng ở hàng thủ, hậu vệ này cũng để lại hai đường kiến tạo lần lượt trong chiến thắng Scotland ở vòng bảng cùng trận thua Đan Mạch ở Tứ kết.
3. Hậu vệ Christensen (Đan Mạch)
Sự đa năng của Christensen có vai trò quan trọng khi đội tuyển Đan Mạch không thể có sự phục vụ của Christian Eriksen trong phần còn lại của EURO 2020. Không ít lần trung vệ thuộc biên chế Chelsea được đẩy lên đá tiền vệ, giúp HLV Hjulmand có thêm những ý tưởng tạo đột biến trong lối chơi của đội tuyển Đan Mạch.
4. Hậu vệ Maguire (Anh)
Vắng mặt hai trận vòng bảng đầu tiên vì chưa kịp bình phục chấn thương, Maguire vẫn cho thấy năng lực vốn có khi tái xuất ở trận vòng bảng cuối cùng gặp Séc. Anh thể hiện sự chắc chắn vốn có ở hai trận gặp Đức và Đan Mạch, đồng thời mang về bàn đầu tiên cho riêng mình trong chiến thắng Ukraine 4-0.
5. Hậu vệ Spinazzola (Italy)
Không thể hiện diện trong hai trận Bán kết và Chung kết là một thiệt thòi không nhỏ cho Spinazzola. Tuyển thủ 28 tuổi này chơi cực kỳ ấn tượng ở EURO 2020 nhờ tốc độ và sự nhanh nhẹn đến khó tin ở vị trí hậu vệ trái. Đội tuyển Italy sẽ không thể tiến sâu nếu thiếu những đóng góp của Spinazzola.
6. Tiền vệ Pedri (Tây Ban Nha)
Tuyển thủ sinh năm 2002 là gương mặt đang lên ở đội tuyển Tây Ban Nha. Không ai dám tin một cầu thủ chưa đến đôi mươi như Pedri lại là trung tâm trong những kế hoạch của HLV Luis Enrique. Phong cách thi đấu của anh khiến không ít người liên tưởng tới Andreas Iniesta thời đỉnh cao.
7. Tiền vệ Jorginho (Italy)
Không cần bàn cãi, Jorginho là nhạc trưởng dẫn dắt Italy đến trận chung kết EURO 2020. Khả năng điều phối bóng và nhận biết mối nguy hiểm từ đối thủ của tiền vệ thuộc biên chế câu lạc bộ Chelsea giúp các hậu vệ cánh Italy thoải mái lên tham gia tấn công mà không phải lo ngại để lộ khoảng trống chết người bên phần sân nhà.
8. Tiền vệ Hojbjerg (Đan Mạch)
Khi Eriksen vắng mặt, Hojbjerg chính là người khỏa lấp sức sáng tạo cho tuyến giữa Đan Mạch. Anh kiến tạo ba đường chuyền thành bàn ở EURO 2020. Nói không quá lời, Hojbjerg đóng vai trò của một chiếc công tắc, người đủ sức chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công một cách trơn tru nhờ những kỹ năng cần thiết ở cả hai khía cạnh nói trên.
9. Tiền đạo Sterling (Anh)
Sterling là cầu thủ Anh duy nhất ghi bàn ở vòng bảng, trước khi thêm một lần lập công định đoạt trận đấu gặp Đức ở vòng 1/8. Dẫu không tỏa sáng ở hai trận gặp Ukraine và Đan Mạch, anh cho thấy vị thế không thể thiếu trong đội hình của HLV Southgate.
10. Tiền đạo Kane (Anh)
Đối lập Sterling, Kane chơi khá tệ ở vòng bảng, trước khi tìm lại chính mình bằng pha lập công đầu tiên ở EURO 2020 trong chiến thắng Đức.
11. Tiền đạo: Schick (Séc)
5 bàn thắng là con số ấn tượng với một tiền đạo ít được biết tới như Schick. Anh đóng góp gần như toàn bộ số bàn thắng trong hành trình đến Tứ kết của Séc.