Đội hình nòng cốt của U23 Malaysia tham gia VCK U23 châu Á 2022 chính là những cầu thủ thi đấu tại SEA Games 31 vừa qua. Điều này giúp các cầu thủ có cơ hội hiểu nhau hơn, đồng thời cũng có thêm nhiều kinh nghiệm thi đấu. Chưa kể, việc đều gặp U23 Thái Lan và U23 Việt Nam tại SEA Games còn giúp Malaysia hiểu thêm phần nào về đối thủ.
Điểm mạnh nhất của đội hình U23 Malaysia chính là tốc độ. Họ sở hữu hàng công với rất nhiều cầu thủ nhanh nhẹn. Có thể kể tới như Luqman Hakim, Syafik Ismail hay Danial Asri. Bên cạnh đó cũng phải nhắc tới tiền đạo cắm nguy hiểm Hadi Fayyadh. Đây là tiền đạo đã ghi bàn cân bằng tỷ số 1-1 trong trận tranh Huy chương Đồng (HCĐ) với Indonesia tại SEA Games 31. Fayyadh có khả năng chơi đầu cũng như xử lý bóng bằng chân rất khéo léo. Anh sẽ là mối nguy hiểm với mọi hàng thủ.
Còn về điểm yếu, U23 Malaysia trong 6 trận đấu tại SEA Games 31 đều thủng lưới. Có thể thấy rõ ràng chất lượng hàng thủ của U23 Malaysia không cao. Cặp trung vệ của Malaysia thường xuyên dâng cao để chơi áp sát nhưng khả năng kiểm soát khoảng trống sau lưng của họ rất kém nên U 23 Lào, Indonesia và Singapore đều dễ dàng tận dụng được điều này để ghi bàn.
Trong trận đấu với U23 Việt Nam, hàng thủ của U23 Malaysia cũng từng bị đặt trong tình trạng báo động một lần khi Tiến Linh thoát xuống ở sau lưng cặp trung vệ của họ. Rất may cho U23 Malaysia vì Tiến Linh lúc đó không có tốc độ tốt nên hậu vệ mới có thể lùi về bọc lót kịp thời.
U23 Malaysia lúc này có thể coi đang ở trong hoàn cảnh "công làm, thủ phá". Thậm chí, ở trong trận đấu với U23 Lào, công chưa làm, thủ đã phá. Điều này hoàn toàn dễ hiểu ở bóng đá trẻ khi mà các cầu thủ chưa kiểm soát tốt nhịp độ trận đấu, khoảng trống trên sân. Nếu huấn luyện viên (HLV) Brad Maloney có thể khắc phục điểm yếu hàng thủ, Malaysia hoàn toàn có thể tiến sâu tại VCK U23 châu Á 2022. Ngược lại, đây sẽ là điểm yếu mà U23 Việt Nam, U23 Thái Lan và U23 Hàn Quốc có thể tận dụng được.