Dự và chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn nhấn mạnh: Để công tác điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đảm bảo an toàn, hiệu quả phải tăng cường sự phối hợp trong công tác điều hành. Bên cạnh việc tiếp tục mở thêm một cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào 6 giờ ngày 22/7, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ ở thượng lưu các hồ chứa, diễn biến hệ thống đê điều và ngập lũ phía hạ du để xem xét việc mở thêm cửa xả lũ hồ Sơn La trong những ngày tới; đôn đốc các tỉnh hạ du hồ Hòa Bình nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo tại văn bản số 72 ngày 18/7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hồ chứa.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy
văn Trung ương tăng cường công tác dự báo mưa và dòng chảy trên lưu vực
các hồ, đặc biệt là nhận định trung hạn trước 5 - 10 ngày làm cơ sở tính
toán và chỉ đạo vận hành liên hồ, đảm bảo đủ dung tích cắt lũ cho hạ
du, đồng thời khai thác hiệu quả tài nguyên nước.
Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình thực
hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng
chống thiên tai; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều và sản xuất
nông nghiệp ở hạ du, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Bộ
Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các công ty thuỷ điện
triển khai công tác đảm bảo an toàn hồ và phát tối đa các tổ máy để hạ
thấp, đưa mực nước về cao trình trước lũ theo quy định; tăng cường chất
lượng truyền hình ảnh trực tuyến xả lũ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ kết
nối giao ban trực tuyến giữa Tập đoàn và các công ty thủy điện với Văn
phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để
phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ
đạo Cục Giao thông đường thủy nội địa phối hợp với Cục Cảnh sát giao
thông - Bộ Công an (bộ phận giao thông đường thủy) tổ chức tuần tra,
phân luồng trên hạ lưu hệ thống sông Hồng, cắm các biển cảnh báo về
luồng, lạch để đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông đường
thuỷ.
Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn bố trí lực
lượng, phương tiện sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống
xảy ra. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa
phương triển khai quyết liệt công tác đảm bảo an toàn hạ du theo văn bản
số 72 ngày 18/7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; tổ
chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, giám sát các địa phương,
sở, ngành thực hiện.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên
tai ban hành lệnh vận hành các hồ chứa theo quy định, đôn đốc, kiểm
tra, chỉ đạo, công tác đảm bảo an toàn hạ du, kịp thời báo cáo Thủ tướng
Chính phủ khi có tình huống nghiêm trọng, phát sinh vượt thẩm quyền.
Công ty Thủy điện Hòa Bình đã mở cửa xả lũ ngày 18/7, nhằm bảo đảm an toàn cho hồ Hòa Bình, có dung tích chứa hơn 9 tỷ m3 nước. Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN |
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã triển khai, lựa chọn 6 đơn vị tư vấn có trình độ, kinh nghiệm hàng đầu trên cả nước (gồm Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thuỷ lợi, Đại Học Thuỷ lợi, Viện Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Viện Cơ học, Trung tâm Động lực học thuỷ khí và môi trường - Đại học Khoa học tự nhiên), đồng thời tổ chức bộ phận trực ban điều hành hoạt động 24/24 để thu nhận thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương và khai thác thông tin từ các đài quốc tế, số liệu đo đạc thực tế để tham mưu kịp thời.
Theo Vụ quản lý Đê điều - Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay 194 trọng điểm xung yếu về đê điều của 13 tỉnh (gồm Hoà Bình 4 trọng điểm, Phú Thọ 4, Vĩnh Phúc 1, Hà Nội 13, Hưng Yên 13, Hà Nam 13, Thái Bình 46, Nam Định 27, Ninh Bình 9, Bắc Ninh 17, Bắc Giang 4, Hải Dương 40, Hải Phòng 13) thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình vẫn an toàn và đang được tổ chức theo dõi sát sao, sẵn sàng các phương án xử lý kịp thời. Do công tác chuẩn bị tốt và được cảnh báo sớm, đến nay 11 tỉnh, thành phố vùng hạ du bị ảnh hưởng của xả lũ thiệt hại không đáng kể. Các địa phương đang theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước, triển khai quyết liệt công tác đảm bảo an toàn hạ du.
Các tỉnh, thành phố hạ du thủy điện Hòa Bình đã có văn bản, công điện chỉ đạo các sở, ngành và địa phương trực thuộc triển khai các biện pháp ứng phó với xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương tổ chức đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với hồ xả lũ.
Mặt khác tổ chức thông tin, phát thanh trên truyền hình và báo chí; thông báo cho hộ dân, các tổ chức có hoạt động ven sông, trên sông, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, phương tiện vận tải thuỷ biết diễn biến xả lũ để chủ động phòng tránh, đặc biệt là các địa phương đã sử dụng hệ thống phát thanh phường, xã thông báo về tình hình xả lũ đến hộ dân ven sông; c hỉ đạo các lực lượng quản lý đê tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý sớm các sự cố đê điều.