Một chính quyền năng động, kỷ cương, trách nhiệm gắn với nền hành chính công hiện đại hết lòng vì người dân phục vụ với sức lan tỏa sâu rộng từ Đảng bộ, chính quyền thành phố cho đến cấp phường xã.
Kỷ cương, trách nhiệm và hiệu quả
Những ngày đầu xuân tháng 2, phòng khánh tiết tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội nhộn nhịp đón từng đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm, làm việc với chính quyền Thủ đô. Đã có không ít những "cái bắt tay" tỷ đô la giữa các đối tác trong và ngoài nước với Hà Nội, báo hiệu một năm mới 2017 đổi mới và phát triển. Hầu hết các cán bộ làm việc tại Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đều cho rằng từ khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký và ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tổ chức thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017” đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân của cán bộ công chức và cơ quan quản lý hành chính nhà nước trên toàn địa bàn Thủ đô.
Quả thực vậy, sức lan tỏa của Chỉ thị số 01/CT-UBND không những được minh chứng rõ nét ở Văn phòng UBND thành phố Hà Nội mà còn ở các sở, ban, ngành khác trực thuộc UBND thành phố, thậm chí ở cấp xã, phường cũng đã có sự đổi mới, hết lòng vì người dân phục vụ. Tại bộ phận một cửa của UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ), các cán bộ có mặt đầy đủ, trang phục đúng quy định. Ngay từ đầu giờ sáng, bộ phận một cửa đã nghiêm túc triển khai làm việc. 8 giờ, khá đông người dân đến làm thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh...Bộ phận tiếp nhận của UBND phường đã xử lý nhanh gọn các thủ tục cho người dân trên tinh thần người dân đến là được phục vụ chu đáo. Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên Lê Văn Thủy cho biết: Có được kết quả trên là do ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND phường đã quán triệt bằng văn bản đến từng cán bộ ở mỗi bộ phận phải chấp hành nghiêm chỉnh kỷ cương hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố về “Năm kỷ cương hành chính 2017".
Theo đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ trật tự và thứ bậc hành chính, đúng thẩm quyền; thực hiện đúng, đủ chức trách và nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; nghiêm cấm việc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, gây phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng dịch vụ công
Tại trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm, 8 cửa tiếp nhận hồ sơ ở bộ phận một cửa đều có cán bộ trực đầy đủ, niềm nở tiếp đón, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Các cán bộ không ngơi tay nhập dữ liệu vào máy tính. Người dân và doanh nghiệp hối hả kê khai thủ tục thông qua máy tính nội bộ để giải quyết công việc mình cần, mỗi người chỉ mất chừng 5 phút là hoàn thành thủ tục.
UBND thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: TTXVN |
Hiện UBND thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ: http://egov.hanoi.gov.vn và tổ chức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp đến tất cả 584 xã/phường/thị trấn trên địa bàn Thủ đô. Tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng trên toàn thành phố (bao gồm hồ sơ công dân tự nộp tại nhà và công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi đến làm thủ tục tại UBND phường, xã, thị trấn) tính đến cuối năm 2016 đạt trên 70%. Trong năm 2017, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu cung cấp trực tuyến mức độ 3 đối với 40% trong tổng số khoảng 1.800 dịch vụ hành chính công của toàn thành phố.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, ngay trong tháng 2 các quận, huyện, thị xã đã và đang hoàn thành việc xử lý văn bản qua hệ thống mạng và đến 1/4/2017 Hà Nội sẽ phấn đấu chấm dứt việc sử dụng văn bản giấy, giấy mời đối với tất cả các sở, ban, ngành, đơn vị. Trước đó, Hà Nội đã trang bị máy tính bảng, điện thoại thông minh cho giám đốc sở, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã sử dụng, để điều hành công việc trên mạng. Với việc trang bị thiết bị công nghệ thông minh, Hà Nội hi vọng sẽ tăng cường công tác áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, phục vụ giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp được nhanh hơn, cũng như giảm chi phí cho việc in, sao tài liệu, tiết kiệm ngân sách.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội dự kiến sẽ cung cấp tối thiểu 40% thủ tục hành chính của sở, ban, ngành; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trực tuyến mức độ 3,4. 100% các đơn vị sử dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối dịch vụ công thống nhất toàn thành phố và kết nối với hệ thống dịch vụ công mức 3,4. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phấn đấu đảm bảo tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lĩnh vực tư pháp, đăng ký kinh doanh đạt trên 60%; các dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực khác đạt tối thiểu 30% được thực hiện qua mạng; đồng thời duy trì cập nhật cơ sở dữ liệu dân cư; triển khai số hóa; xây dựng và duy trì 4 cơ sở dữ liệu quan trọng là đất đai, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, cán bộ công chức, tư pháp - hộ tịch…
Năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đề xuất giao cho Tập đoàn Viettel xây dựng và thực hiện 4 đề án trong 3 lĩnh vực dịch vụ công thông minh, y tế thông minh và giao thông thông minh... Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng được thành phố giao tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, góp phần dần từng bước hiện đại hóa nền hành chính công của Thủ đô.