Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác chăm lo, thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Hệ thống chính sách xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện, bao trùm và toàn diện, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng yếu thế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thành phố.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại như: Tình hình đời sống, việc làm của một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng tăng; giáo dục và đào tạo tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, tầm vóc thành phố. Vấn đề phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội của thành phố còn chậm, chưa theo kịp tốc độ phát triển dân số và nhu cầu đời sống xã hội. Công tác quản lý xã hội vẫn còn nhiều hạn chế; một số phong trào, mô hình phát động còn mang tính hình thức. Chế độ tiền lương, đãi ngộ đối với cán bộ công chức chưa đảm bảo cho cuộc sống.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thành phố cần xác định việc thực hiện chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. UBND thành phố quan tâm đề xuất điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố. Trước mắt UBND thành phố chỉ đạo triển khai nhanh việc xây dựng chung cư cho người có công tại đường Vũ Nguyên Mông, quận Ngũ Hành Sơn để bố trí cho các hộ còn khó khăn về chỗ ở.
Các cấp ngành tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng lao động, khả năng cạnh tranh của lao động thành phố trên thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế; giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 3%; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, liên thông, dễ tiếp cận, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao.
UBND thành phố cần tăng cường phát triển mạng lưới an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, phổ cập và hiện đại; bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không để ai bỏ lại phía sau; tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, phấn đấu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 99% vào năm 2025. Các cấp, ngành cần đảm bảo điều kiện dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục; trong đó đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày trên địa bàn, nhất là tại các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu, thành phố đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng y tế các tuyến gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhân dân; chú trọng phát triển mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe tâm thần, sức khỏe bà mẹ, trẻ em; duy trì 100% phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình… UBND thành phố sớm đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy các chương trình mới tương tự như các chương trình "5 không", "3 có", "4 an", báo cáo trong năm 2022 để bắt đầu triển khai từ năm 2023, gắn với triển khai văn bản mới của Trung ương về chính sách xã hội…
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng năm, ngân sách thành phố chi trên 356 tỷ đồng cho hơn 18.400 lượt người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng; chi gần 30 tỷ đồng tặng quà cho đối tượng, gia đình chính sách vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đến nay, không còn hộ người có công với cách mạng ở nhà tạm, nhà dột nát, 100% gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên so với dân cư nơi cư trú; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được nhận phụng dưỡng hàng tháng với mức 1 triệu đồng trở lên.
Từ năm 2012 - 2022, bình quân mỗi năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3,2% ở cuối năm 2020. Đà Nẵng cũng ban hành các Đề án giảm nghèo theo từng giai đoạn với chuẩn nghèo riêng của thành phố; qua đó giúp 57.906 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm từ 2% trở lên. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 45,4% vào năm 2019; năm 2020, 2021 do ảnh hưởng dịch COVID-19, tỷ lệ này còn 41,04%. Số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước năm 2022 đạt 39,45%.
Đà Nẵng cũng đầu tư quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp học đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Toàn thành phố có 119 trường đạt chuẩn; phát triển, mở rộng mô hình trường bán trú, nhà trẻ trong khu công nghiệp và vùng nông thôn. Thành phố hiện có 3 bệnh viện hạng I, 15 bệnh viện hạng II, không có bệnh viện hạng III; 100% xã, phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 99,27% vào cuối năm 2021…