Dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; các tỉnh thành Nam bộ và khoảng 5.000 đại biểu, khách mời, bà con đồng bào Khmer trong và ngoài tỉnh.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước,Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực cũng như những kết quả đạt được trong thời gian qua của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, với tình cảm, trách nhiệm của mình, đã tạo điều kiện, hỗ trợ đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói riêng phát triển toàn diện trên mọi mặt kinh tế, xã hội.
Phó Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược và đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên dành nhiều nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc. Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc có ý nghĩa to lớn, đóng góp quan trọng trong xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong giai đoạn phát triển mới, Đảng ta cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách, đề án liên quan đến vùng bà con dân tộc.
Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các cấp, các ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ: Nghiêm túc quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Bên cạnh đó, cần huy động mạnh mẽ các nguồn lực góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng dân tộc, gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường bền vững; quan tâm đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc, với tinh thần “giáo dục là quốc sách”; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho đối tượng đồng bào dân tộc; cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc nghèo.
Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương tiếp tục giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc nói chung, vùng đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng ở khu vực biên giới. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung, quan tâm hơn nữa trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, tính đa dạng, bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em; cùng với việc xây dựng những giá trị văn hóa mới phù hợp với thời đại mới.
Ngày hội là hoạt động văn hóa có ý nghĩa to lớn, thiết thực, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, chăm lo đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.
Đây cũng là dịp đồng bào cả nước nói chung và đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói riêng nâng cao ý thức trách nhiệm với văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, đảm bảo thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội cho biết: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VII năm 2017, được tổ chức tại Bạc Liêu với chủ đề “Bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước” diễn ra từ 17 - 19/11.
Ngày hội có sự tham gia của 12 tỉnh, thành Nam Bộ gồm: An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ, Tây Ninh, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều chương trình, hoạt động phong phú như: Hội chợ Thương mại - Du lịch Bạc Liêu; Triển lãm văn hóa Khmer Nam Bộ, văn hóa ẩm thực, thi đấu các môn thể thao dân tộc đặc trưng của đồng bào Khmer; Hội thi nghệ thuật quần chúng…
Ngay sau lễ khai mạc đã diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm nhiều tiết mục mang đậm sắc thái văn hóa đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ như: “Múa chúc mừng”, “Ngẫu hứng trên đồng”, “Vũ khúc trên sông”, sân khấu hóa “Đêm trăng hội tụ”, “Hát mừng Đảng quang vinh”, hoạt cảnh “Tình ca ba sắc” , hòa nhạc “Ngũ âm hòa điệu”…
* Trước đó, tại trụ sở Tỉnh ủy Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao 10 phần quà tặng 10 hộ gia đình dân tộc Khmer nghèo trong tỉnh Bạc Liêu.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao quà cho hộ nghèo đồng bào dân tộ Khmer tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN |
Tại buổi trao quà, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao đối với tỉnh Bạc Liêu trong thực hiện chính sách, đầu tư phát triển trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Phó Thủ tướng biểu dương tỉnh Bạc Liêu tuy còn nghèo nhưng công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt trong đồng bào dân tộc Khmer có bước chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ hộ khá, giàu trong phum sóc tăng theo từng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; bộ mặt nông thôn, vùng sâu vùng sa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một thay da đổi thịt, điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, giao thương mua bán thuận lợi; con em đồng bào dân tộc thiểu số được học hành đến nơi đến chốn.
Dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gửi lời thăm hỏi ân cần đến các gia đình được nhận quà và thông qua các ngành các cấp, các địa phương, gửi lời chúc đến tất cả bà con dân tộc Khmer tỉnh Bạc Liêu được nhiều sức khỏe, sống vui, tích cực hăng say lao động, sản xuất, học tập, góp phần cùng địa phương, Đảng, Nhà nước thực hiện thắng lợi trên các mặt công tác; tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, đảm bảo thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Những năm qua tỉnh Bạc Liêu thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách ưu đãi cho các hộ Khmer nghèo; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn vùng có đông đồng bào Khmer; tặng nhà tình thương, nhận đỡ đầu hộ nghèo; con em đồng bào Khmer được hỗ trợ học tập, y tế, đào tạo nghề, tìm việc làm... Đến nay có hơn 95% số hộ đồng bào dân tộc Khmer được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước sạch. Đời sống đồng bào Khmer không ngừng nâng lên, văn hóa truyền thống được giữ gìn bên cạnh việc xây dựng đời sống văn hóa mới.