Theo Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ, người dân tộc Khmer chiếm 1,9% dân số toàn thành phố, tương đương gần 23.000 người. Phật giáo Nam Tông Khmer có vai trò to lớn trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer.
Các nghệ sĩ đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang biểu diễn trong lễ khai mạc “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer lần thứ X năm 2016”. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Theo truyền thống, hầu hết con trai đến 12 tuổi trở lên phải vào chùa xuất gia để “gieo duyên” trong một thời gian, coi như hình thức trả hiếu gia đình, tu tập rèn luyện đạo đức bản thân, trang bị tri thức và học hỏi làm người. Thông qua đó, thanh niên sẽ được các thầy trong dòng Phật giáo Nam Tông Khmer truyền dạy kiến thức đời sống, văn hóa đặc trưng Khmer.
Theo thầy Nguyễn Văn Triệu, Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú thành phố Cần Thơ, hiện đang có xu hướng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long cải đạo, từ bỏ Phật giáo Nam Tông để đi theo các đạo khác.
Mọi sinh hoạt của cộng đồng người Khmer đều gắn liền với ngôi chùa, dựa trên quan niệm truyền đời “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”, hầu hết những kiến thức về chữ viết, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, các loại hình nghệ thuật múa hát, sân khấu, phong tục tập quán của cộng đồng mình… người Khmer đều học được từ các sư sãi trong chùa, thông qua thời gian “tu tập để trưởng thành”. Vì thế, khi người Khmer xa rời Phật giáo Nam Tông, xa rời nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng nơi các chùa, đồng nghĩa với những giá trị văn hóa ấy sẽ bị mai một.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo thành phố, ông Lê Hùng Yên cho biết, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa Khmer theo định hướng hài hòa với các dân tộc anh em khác trên lãnh thổ Việt Nam, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo Ban Tôn giáo phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất, tham mưu với UBND thành phố những quyết sách nhằm hỗ trợ cộng đồng người Khmer nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần một cách bền vững, thông qua việc xây dựng vững chắc hệ tư tưởng Phật giáo Nam Tông. Cụ thể là nâng cấp hệ thống chùa chiền, nâng cao kiến thức của tăng ni và khuyến khích cộng đồng người Khmer gìn giữ truyền thống tu học.
Thời gian tới, bên cạnh việc huy động các nguồn lực kinh tế để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị giảng dạy cho các trường trung cấp Pali, trường dân tộc nội trú, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với nhà chùa tổ chức cho học sinh tiểu học người Khmer học thêm tiếng Khmer 3 tháng hè trong các chùa và cung cấp sách giáo khoa, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên song ngữ (kể cả nhà sư) tham gia đứng lớp.
Song song đó, huy động lực lượng các nhà chuyên môn tham gia biên soạn, chỉnh lý các loại sách dạy tiếng Khmer một cách có hệ thống, đủ mọi trình độ để đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ tiếng mẹ đẻ của học sinh, tăng sinh và đồng bào Khmer, giảm dần tình trạng mù chữ Khmer trong cộng đồng người Khmer.
Các tăng sinh sẽ được cử đi học tại Trường Bổ túc văn hóa - Pali trung cấp Nam Bộ tại Sóc Trăng và Trà Vinh để nâng cao trình độ văn hóa và bồi dưỡng Phật học. Thông qua các trung tâm giảng dạy, những chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc sẽ được truyền bá sâu rộng đến cộng đồng người Khmer, nhằm tối ưu hóa những chính sách vào thực tiễn.
Gia đình có nam sinh tham gia tu học sẽ được Nhà nước hỗ trợ để giảm gánh nặng thiếu hụt nhân lực chính. Những hỗ trợ kinh tế bao gồm việc dạy nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn lãi suất thấp để gia đình phát triển kinh tế nông hộ ở những ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ…