Khẳng định sự phát triển của đất nước thời gian qua có đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, do vấn đề nguồn lực nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế... cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phần nào còn hạn chế.
Phó Thủ tướng cho rằng, mỗi đất nước muốn vươn lên phát triển thì một trong những yếu tố quan trọng nhất là vấn đề đầu tư cho con người, trong đó có giáo dục. Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu là người có uy tín sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào cho con em đi học, khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, xử lý những bất cập về cơ cấu nghề nghiệp khi cử học sinh người dân tộc thiểu số đi học đại học, cao đẳng, bảo đảm các trường hợp được cử đi học có việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp, phát huy tri thức góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Theo Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam Dương Văn Hạnh: Hiện tỉnh có trên 132.000 đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, địa phương đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó từng bước cải thiện mọi mặt đời sống cho đồng bào, trong đó chú trọng các dịch vụ y tế, sức khỏe, giáo dục, văn hóa…
Tuy nhiên, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam hiện còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém. Tại những huyện miền núi, vùng khó khăn vẫn còn hơn 100 km đường giao thông chưa được trải nhựa, nhiều thôn bản cách nhau 2 - 3 giờ đồng hồ di chuyển. Tỷ lệ trạm y tế xã, trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp, hàng chục thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia.
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo hàng năm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam giảm trung bình 5,2% nhưng toàn tỉnh vẫn còn 18.927 hộ nghèo, hơn 16.000 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân ở các huyện miền núi mới đạt khoảng 11 triệu đồng/người/năm.