Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ cùng dự và chứng kiến lễ ký.
Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hoạt động phối hợp giữa Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam trong tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn. Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm. Chính phủ đã và đang tiếp tục vào cuộc quyết liệt nhằm đảm bảo cho người dân được sử dụng thực phẩm an toàn.
Thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tăng cường vận động các hội viên thực hiện tốt việc sản xuất thực phẩm sạch, nông sản sạch từ nông thôn đến thành thị theo các tiêu chuẩn quy định như ISO, VietGap; tránh tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng” như đã từng diễn ra, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với đó, các cấp Hội phải tăng cường tuyên truyền, vận động giám sát, tẩy chay nông sản, thực phẩm bẩn để mọi người dân cùng được hưởng thực phẩm sạch, có xuất xứ rõ ràng.
Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hội viên các đoàn thể chính trị xã hội mà nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam cùng giám sát, phối hợp thực hiện chương trình vận động người dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn ký kết chương trình phối hợp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Theo đánh giá chung, thời gian qua, các Bộ ngành, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhận thức của người dân được nâng lên, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn được xây đựng và phổ biến ngày càng rộng rãi; bước đầu hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến (IPM, VietGAP, HACCP, ISO ...) và truy xuất nguồn gốc, từng bước giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, nông sản thực phẩm được sản xuất, kinh doanh theo các mô hình bảo đảm an toàn chưa nhiều. Số lượng các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ còn lớn. Một số nơi vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa chất, kháng sinh, sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm… gây bức xúc xã hội.
Theo nội dung phối hợp, các bên tham gia sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật, tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Các bộ, ngành của Chính phủ sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hướng dẫn, tập huấn áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, trong đó chú trọng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp.