Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 để đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao ngay sau kỳ nghỉ Tết phải khẩn trương tập trung ngay vào công việc, bảo đảm kịp thời, chất lượng, hiệu quả, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo không khí phấn khởi và khí thế mới, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ ngay từ đầu năm để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.
Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa tổng hợp mang tính cộng đồng, vừa hướng về nguồn cội, vừa cân bằng đời sống tâm linh, đồng thời phản ánh những giá trị sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của cộng đồng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Ngọc Thắng (Ủy ban Dân tộc), hiện tại Việt Nam có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), các lễ hội khác chiếm 0,5%. Có nhiều lễ hội nhất là thành phố Hà Nội (1.095 lễ hội), ít lễ hội nhất là tỉnh Lai Châu (17 lễ hội). Lễ hội dân gian có tỷ lệ lớn nhất và bao trùm hầu hết các làng xã Việt Nam.
Mùa xuân là mùa của lễ hội dân gian, của một số lễ hội tôn giáo trên đất nước ta, chiếm 2/3 số lượng lễ hội. Lễ hội dân gian được tổ chức nhằm tôn vinh người có công với nước, với cộng đồng, thờ cúng thần thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội. Lễ hội dân gian diễn ra trên phạm vi toàn quốc.
Một trong những lễ hội tiêu biểu có tính quốc gia là Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, không chỉ diễn ra ở tỉnh Phú Thọ mà còn được tổ chức ở nhiều nơi trong cả nước. Ngày hội Đền Hùng đã trở thành ngày hội của toàn dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ 7 của Việt Nam được thế giới công nhận. Một số lễ hội dân gian có quy mô lớn như lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội Phủ Dày (Nam Định), Lễ hội bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh)… được tổ chức công phu, kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiêng của lễ và không khí tưng bừng của phần hội với các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống và hiện đại.
Lễ hội dân gian trên khắp vùng miền của đất nước mỗi độ xuân về vừa là dịp để cộng đồng bày tỏ nhận thức, tình cảm của con người trước các chu kỳ vận hành của tự nhiên, vừa là dịp để duy trì, bảo tồn những nét đẹp trong truyền thống văn hiến của dân tộc. Cũng như các loại hình lễ hội khác, lễ hội dân gian đa dạng về thể loại, phong phú về hình thức biểu hiện ở các tộc người, địa phương, vùng miền.
Việt Nam có nhiều lễ hội là vì trước đây hơn 90% dân số là nông dân với đặc điểm nghề nghiệp là làm theo thời vụ. Tháng Giêng là thời điểm người nông dân nhàn rỗi để có thể tham gia các lễ hội.
Người Việt từ cổ xưa đã có quan niệm rất coi trọng sự khởi đầu, khởi đầu thuận lợi thì cả một năm sẽ gặp nhiều thành công may mắn. Không chỉ có ngày đầu năm mà tháng đầu năm cũng đặc biệt quan trọng, thêm vào đó, tháng này công việc lại ít nên tháng Giêng có nhiều lễ hội hơn hẳn các tháng khác. Bởi thế dân gian ta có các câu: “tháng Giêng là tháng ăn chơi” hoặc “tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc”.
Trong những ngày “hậu Tết Nguyên đán Quý Mão 2023”, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là khắc phục tình trạng lạm dụng quan niệm xưa cũ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, “Ra Giêng ngày rộng tháng dài” khiến cho việc lao động, học tập bị lơ là, trễ nải, kéo theo rất nhiều hệ lụy, gây xáo trộn đến mọi hoạt động đời sống xã hội.
Theo chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, mặc dù là cán bộ, công chức, viên chức thời Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng còn nhiều người vẫn giữ thói quen nông nhàn xưa - đến công sở làm việc nhưng rề rà chúc Tết, bày biện rượu, trà, cà kê cho “hết mùng” mới chịu bắt tay vào việc. Trong khi đó thì người dân, doanh nghiệp phải ngóng chờ qua hết các ngày nghỉ Tết để cơ quan nhà nước giải quyết giấy tờ, thủ tục.
Nhiều cơ quan công sở bị tồn đọng công việc trước Tết nhưng đến đầu tháng Hai dương lịch vẫn chưa thể hoạt động “đúng chuẩn” theo quy định. Nguyên do là cán bộ, công chức chưa có tinh thần làm việc, còn tư tưởng “vui nốt Xuân”. Vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa được tuân thủ nghiêm, thủ trưởng các cơ quan, công sở ngại va chạm nên thiếu đôn đốc, nhắc nhở hoặc xử lý vi phạm.
Để khắc phục tình trạng nói trên, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP. Đề cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP; quán triệt chủ đề "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", cụ thể hóa chủ đề hành động của ngành mình, cấp mình, cơ quan, đơn vị mình; theo dõi sát tình hình thực tiễn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ ngay từ đầu năm để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 theo các Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6 tháng 1 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Quản lý lễ hội - phát huy những giá trị nhân văn, truyền thống của các lễ hội, nhất là các lễ hội đầu năm; hạn chế những yếu tố tiêu cực, lỗi thời, bổ sung những đặc tính mới, hiện đại một cách phù hợp, chính là nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bài cuối: Tránh đứt gãy thị trường lao động sau Tết