Chế biến cà phê bẩn tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan bị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện. Ảnh: TTXVN phát |
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong khi toàn ngành hàng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, vẫn có những đơn vị vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm. Hành động pha tạp chất vào cà phê không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính cũng như thương hiệu cà phê của Việt Nam mà còn làm mất lòng tin của người tiêu dùng.
“Vụ việc này chỉ xảy ra ở một cơ sở nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Cần lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật không để tình trạng này xảy ra”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Để nâng cao vị thế cà phê của doanh nghiệp trên thị trường thế giới, các bộ, ngành và địa phương, nhất là các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất phải xác định rõ ngoài nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng là then chốt. Đồng thời vừa giảm giá thành vừa nâng cao giá trị và quảng bá hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ngành nông nghiệp coi cà phê là cây trồng chủ lực, hướng đến xuất khẩu và có nhiều chính sách, cơ chế để phát triển vùng trồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng. Trên thực tế, cà phê Việt Nam đã có vị thế và đang nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Cà phê là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,2 tỷ USD. Trong quý 1 năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đạt gần 1 tỷ USD.
Hiện lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông vẫn đang tiến hành điều tra, làm rõ mục đích của việc trộn phế phẩm cà phê tại cơ sở thu mua nông sản tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, do bà Nguyễn Thị Thanh Loan (sinh năm 1975) đứng tên đăng ký kinh doanh.