Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Văn Thanh cho biết: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí tối thiểu 75 nghìn tỷ đồng. Về giao vốn thực hiện Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Bộ LĐTBXH đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về phạm vi, đối tượng phân bổ vốn của các dự án thành phần thuộc Chương trình, làm cơ sở cho các địa phương tiến hành các thủ tục giao vốn thực hiện Chương trình.
Các địa phương đã và đang trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt phương án phân bổ vốn để thực hiện Chương trình.
Như vậy, hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo đã tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo bền vững, góp phần hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Chính sách hỗ trợ được triển khai đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu của người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực không bị giãn cách xã hội, góp phần giải quyết những khó khăn, tác động của đại dịch COVID-19…
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cũng cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình này. Cụ thể, nguồn vốn sự nghiệp trung ương chưa được xác định theo kế hoạch trung hạn hoặc xác định mức trần hằng năm nên các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng khi xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí thực hiện. Nguồn vốn sự nghiệp được bố trí thực hiện Chương trình năm 2022 thấp.
Nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Các địa phương này là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo và công tác giảm nghèo.