Các quy định còn chồng chéo
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này có vai trò hết sức quan trọng để đưa các quy định của luật sát hơn với thực tiễn công tác quản lý đất đai trên cả nước. Dù vậy, sau giai đoạn lấy ý kiến phản biện, góp ý đầu tiên, có ý kiến cho rằng, nhiều quy định của dự thảo luật vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW; do đó cần phải tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng các tác động và cụ thể hóa chính sách đất đai bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.
"Vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, chưa tạo được không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng, cũng như giảm tối đa thủ tục hành chính", Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, qua rà soát Luật đất đai của Bộ Tài nguyên Môi trường tại 112 luật, bộ luật (có quan hệ với Luật đất đai) đã thấy có 22/112 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật hiện hành nhưng cũng chưa thống nhất giữa luật đất đai và luật nhà ở. Cụ thể như Luật Nhà ở và Luật Đất đai hiện đang có quy định khác nhau về cấp giấy chứng nhận cho người nước ngoài sở hữu nhà ở. Luật Đất đai và dự thảo không quy định người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài. Luật Nhà ở thì quy định người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận. Như vậy, sẽ tiếp tục vướng mắc trong triển khai thực tế.
“Về thời hạn có hiệu lực đối với giao dịch quyền sử dụng đất, Luật Đất đai và Luật Nhà ở cũng quy định không giống nhau. Việc chuyển quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai có hiệu lực từ thời điểm đăng ký địa chính, nhưng theo Luật Nhà ở, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên mua thanh toán nghĩa vụ tài chính”, ông Nguyễn Văn Hậu dẫn chứng thêm.
Đồng tình với quan điểm các Luật còn chồng chéo và cần sửa đổi cho thống nhất, Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng và Trợ giúp Pháp lý Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho biết, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang có một số vướng mắc, quy định chồng chéo. Ví dụ trong việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (Điều 63,64,65) có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và nhiều Luật liên quan như: Luật Đầu tư (năm 2020), Luật Doanh nghiệp (năm 2020), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng... “Do đó sắp tới, khi sửa đổi Luật Đất đai, cần nghiên cứu tính đồng bộ và tính thống nhất trong quá trình vận hành và điều chỉnh của các luật liên quan", bà Đặng Thị Ngọc Hạnh đề xuất.
Đảm bảo một quy trình, thủ tục thống nhất và đồng bộ
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, những tư tưởng của Nghị quyết 18 đã được thể chế trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, ông Tuyến băn khoăn về tính khả thi, bởi vì đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất không chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai mà còn chịu sự quy chiếu, điều chỉnh của những luật khác có liên quan như Luật Đấu giá tài sản công, Luật Đấu thầu...
Theo chuyên gia này, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định về nội dung những trường hợp nào đấu giá quyền sử dụng đất, những trường hợp nào không đấu giá, những trường hợp nào đấu thầu. Trình tự thủ tục đấu giá, đấu thầu lại liên quan đến các luật chuyên ngành khác. Vì vậy, ông Tuyến cho rằng: “Sửa Luật Đất đai là vấn đề cần, nhưng chưa đủ, vì sửa Luật Đất đai phải rà soát sửa Luật Đấu giá tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan. Nếu cho rằng chỉ sửa Luật Đất đai thông qua giao đất, cho thuê đất, thông qua đấu giá, đấu thầu sẽ giải quyết, khắc phục được những khuyết thiếu, trở ngại thực tế hiện nay đang đặt ra, là chưa đúng”.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp ở mọi ngành nghề, từ tập đoàn lớn đến doanh nghiệp nhỏ đều đang theo dõi quá trình sửa đổi Luật đất đai rất chặt chẽ. Bởi đất đai đối với doanh nghiệp rất quan trọng. Một trong những định hướng quan trọng của sửa đổi Luật Đất đai lần này là phải khơi thông được nguồn lực và tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Phải giảm chi phí, phải cải cách thủ tục hành chính, phải số hóa, giảm rủi ro cho các doanh nghiệp. Đây là một trong những ưu tiên của dự thảo Luật Đất đai lần này.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, Luật Đất đai có liên quan đến 186 luật khác, hiếm luật nào có mức độ tác động lớn như vậy đến các luật khác. Không chỉ giữa luật, mà giữa các Nghị định, hướng dẫn, thông tư... cũng đang có những điều chỉnh. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ, sứ mệnh không hề dễ dàng của Ban soạn thảo là đảm bảo một quy trình, thủ tục, trình tự đơn giản, thuận tiện và thống nhất, đồng bộ.
Thời gian qua, có nhiều dự án phải nằm yên trong nhiều năm bởi vì sự xung đột, chồng chéo giữa các luật mà không có lối ra và bản thân các cơ quan thực thi ở địa phương cũng rất khó khi thực hiện. Nguyên nhân là do quy định giữa luật không giống nhau hoặc không rõ ràng, dẫn tới người thực thi tại các địa phương ngần ngại, trì hoãn.
“Tôi mong rằng quy trình, thủ tục trong thời gian tới phải đứng từ phía người thực hiện. Từ kinh nghiệm thực tế, nếu góc nhìn chỉ ở từng đạo luật thì sẽ thấy không có nhiều vướng mắc. Nhưng khi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương thực hiện thì phải nhìn với một quy trình của một dự án. Vì vậy, điểm gây tắc của dự án chính là việc phải thực hiện qua quá nhiều khâu”, ông Tuấn cho hay.
Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Dự thảo hiện nay vẫn còn quá lạm dụng nội dung “Nhà nước quy định chi tiết điều này”, gây gánh nặng phải bảo đảm ban hành cùng lúc nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn, điều này có nguy cơ khiến cho nội dung và tính khả thi của các quy định này bị giảm sút, cản trở cho việc áp dụng pháp luật.
Luật sư Hậu kiến nghị Ban soạn thảo rà soát song song lại một lần nữa giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với quy định hiện hành và chính sách, chủ trương của Đảng để tăng tính phù hợp của dự thảo. Đề nghị hạn chế tối đa việc không quy định cụ thể trong luật mà đưa vào nghị định, đặc biệt là chế độ pháp lý của các loại đất (đất quốc phòng, an ninh; đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; đất xử lý chất thải; đất làm nghĩa trang, nhà tang lễ;...).
Cần phải rà soát lại các vấn đề liên quan đến đất công sử dụng không đúng mục đích; đất lấn biển đấu giá hay giao cho chủ đầu tư, khi thu hồi sẽ bồi thường như thế nào... Bên cạnh đó, khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, cần thiết phải có nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết đi kèm, áp dụng nguyên tắc 1 luật sửa nhiều luật.