Hoạt động này nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động trí tuệ nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tính khả thi khi luật thông qua. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và thực hiện đủ nội dung, tiến độ đã nêu trong Kế hoạch.
Đối tượng lấy ý kiến là toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, các đơn vị trực thuộc Bộ, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, theo hình thức gửi văn bản của Bộ Công Thương đến các Tập đoàn, Tổng Công ty và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan, đề nghị góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đồng thời, tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức, các đơn vị trực thuộc Bộ, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ Công Thương dự kiến sẽ hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Lãnh đạo Bộ ký gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 3 năm 2023.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng giao Vụ Pháp chế chủ trì, đôn đốc, phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện mục 1,2,3,4 và 5 phần II Kế hoạch này. Cùng đó, trên cơ sở góp ý của các đối tượng được lấy ý kiến, xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và nội dung tại Kế hoạch này, các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tại đơn vị và thông báo rộng rãi cho các công chức, viên chức của đơn vị mình thực hiện việc góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Các đơn vị được lấy ý kiến có văn bản góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi về Vụ Pháp chế theo thời giạn được nêu tại mục 1 phần II của Kế hoạch. Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 20/2 tại Hà Nội.