Song song với chiến dịch này, thành phố cũng đã lên kế hoạch phân tầng điều trị hợp lý cho người mắc COVID-19; đặc biệt đẩy mạnh việc điều trị, theo dõi F0 tại nhà và giảm tỷ lệ tử vong ở các bệnh viện tuyến cuối. Các chuyên gia đánh giá, sự điều chỉnh của thành phố đang dần thu được những kết quả tích cực.
Chiến lược "truy vét" F0 trong cộng đồng
Theo thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến sáng 31/8, hầu hết các địa phương trên toàn địa bàn đã hoàn thành việc xét nghiệm đối với vùng cam, vùng đỏ. Riêng đối với vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng, công tác xét nghiệm vẫn chưa đạt tiến độ với kết quả lần lượt là 35%, 19% và 37%. Trong 7 ngày triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố, tập trung vào các khu vực nguy cơ cao và rất cao, nên số ca mắc mới phát hiện trong cộng đồng cũng tăng theo. Cụ thể, các địa phương đã xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho gần 1,7 triệu người dân tại các vùng đỏ và vùng cam, kết quả là phát hiện 64.299 người dương tính, chiếm 3,8% số mẫu xét nghiệm. Trung bình mỗi ngày thành phố phát hiện 4.740 ca mắc mới. Trong đó, có những ngày, số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, chiếm đến 85%. Đáng chú ý, có một số quận, huyện, số ca mắc cộng đồng chiếm 100% số người được xét nghiệm.
Theo phân tích số ca mắc trong những ngày gần đây, ngành y tế nhận định, các ca F0 trong cộng đồng vừa được phát hiện trong những ngày qua chủ yếu tập trung ở những nơi có mật độ dân số cao, hẻm nhỏ, khu dãy nhà san sát nhau, nơi tập trung đông dân cư. Có thể nói nguyên nhân F0 cộng đồng tăng là người dân chưa tuân thủ triệt để việc giãn cách, chưa đảm bảo 5K trong gia đình, khu trọ...
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận, do số lượng F0 trong cộng đồng tăng có thể khiến người dân hơi lo ngại, song đây là thực tế và ngành y tế sẽ làm đến cùng để phát hiện tất cả trường hợp mắc COVID-19. Mặc dù vậy, tỷ lệ dương tính trên tổng số trường hợp lấy mẫu của thành phố hiện nay là khoảng 3,8%, vẫn thấp hơn ngưỡng mức lây nhiễm của thế giới (5%).
Theo chuyên gia dịch tễ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh), khi thành phố xét nghiệm diện rộng thì việc phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không nên nhìn vào con số mắc mới để lo lắng mà phải mừng vì đã sớm bóc tách F0 khỏi cộng đồng. “Việc tìm ra nhiều F0 trong cộng đồng sẽ giúp ngành Y tế phân loại sớm và có hướng điều trị phù hợp, tránh tình trạng quá nhiều người trở nặng và giúp giảm tỷ lệ tử vong”, ông Trương Hữu Khanh nhận định.
Theo kế hoạch, đến hết ngày 1/9, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 2 ở khu vực các vùng đỏ, vùng cam; kết hợp việc triển khai, hướng dẫn rộng rãi để tăng tỷ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu (test nhanh mẫu đơn). Dự kiến, đến ngày 6/9, khi kết thúc đợt xét nghiệm lần thứ 2, thành phố sẽ vẽ lại “bản đồ dịch bệnh”, phân chia lại khu vực nguy cơ tùy theo tình hình thực tế.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng đánh giá, sau một tuần thực hiện, nhiều địa phương đã hoàn thành việc "quét xét nghiệm" ở các khu vực đậm đặc. "Trong những ngày tới, chắc chắn số ca mắc tại các địa phương sẽ giảm dần cùng với số lượng bệnh nhân đang điều trị được xuất viện đang tăng mỗi ngày. Do đó, chúng ta có thể tin tưởng thành phố sẽ sớm kiểm soát dịch", ông Thượng nhận định.
Điều chỉnh phân vùng điều trị COVID-19 hiệu quả
Để đáp ứng nhu cầu điều trị khi số ca F0 tăng nhanh, trong những ngày qua, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã phân lại các tầng điều trị phù hợp, thay vì 5 tầng như trước thì nay đổi lại còn 3 tầng điều trị với với "2 mũi giáp công" chính là cách ly điều trị nhà, khu cách ly phường xã, quận, huyện (tầng 1) và điều trị tại các bệnh viện (tầng 2, tầng 3). Đáng chú ý là việc đẩy mạnh điều trị người mắc COVID-19 tại nhà đang có hiệu quả rõ rệt khi có sự trợ giúp từ lực lượng quân y và lực lượng tình nguyện viên.
Việc điều trị tại nhà hiệu quả đã làm giảm đáng kể tỷ lệ phải chuyển viện do bệnh chuyện nặng. Cụ thể, ở tầng 1, thành phố đã thiết lập 413 trạm y tế lưu động, hình thành 413 tổ bác sĩ quân y phụ trách việc điều trị, theo dõi cho 50.000 F0 tại nhà. Cùng với đó là việc cung cấp các gói thuốc điều trị cơ bản cho người mắc COVID-19 tại nhà, trong đó có thuốc Molnupiravir kháng virus đã giúp cho người bệnh tiếp cận được sớm với sự hỗ trợ y tế, tạo tâm lý yên tâm khi điều trị và mau chóng khỏi bệnh.
Bên cạnh đó, 24.000 giường cách ly tập trung tại các khu cách ly tập trung quận, huyện hiện cũng sẵn sàng tiếp nhận người bệnh khi có triệu chứng nhẹ hoặc không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Ngành y tế khẳng định, tầng 1 đang làm rất tốt việc điều trị, theo dõi F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, giảm tỷ lệ chuyển viện lên tuyến trên. Hiện tầng này đang điều trị cho 19.000 người.
Trong khi đó, ở tầng 2 có 74 bệnh viện điều trị với 49.392 giường đang điều trị cho hơn 39.000 ca F0 có mức độ trung bình và nặng. Hiện tại, tầng này vẫn có thể tiếp tục tiếp nhận thêm bệnh nhân chuyển lên từ tuyến dưới. Ở tầng này Sở Y tế thành phố yêu cầu các bệnh viện tăng cường xét nghiệm cho F0 nhẹ, nếu hết bệnh thì cho xuất viện, chuyển viện để tiếp nhận những F0 mới từ cộng đồng và từ các khu cách ly cần điều trị tại bệnh viện. Sở Y tế cũng đã phân bổ thuốc Remdesivir đến các bệnh viện để sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng mức độ trung bình và nặng.
Riêng tầng 3 gồm 8 bệnh viện, trung tâm hồi sức với gần 3.850 giường bệnh, hiện đã có sự biến chuyển mạnh khi tỷ lệ tử vong đã bắt đầu giảm. Phân tích tỷ lệ tử vong trong 7 ngày qua cho thấy, số ca tử vong đã giảm đáng kể bất chấp số lượng ca mắc mới tăng lên đến hơn 4.000-5.000 ca mỗi ngày. Cụ thể, nếu ngày 22/8, thành phố có 340 trường hợp tử vong thì đến ngày 30/8, số ca tử vong trong ngày giảm xuống còn 245, tức giảm gần 100 trường hợp. Đây là nỗ lực đáng khen ngợi của đội ngũ y bác sĩ ở tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến điều trị cuối cùng.
Đánh giá chung về sự thay đổi trong chiến lược điều trị của thành phố, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Phúc, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận, việc điều chỉnh mô hình điều trị thành 3 tầng như hiện nay đã đạt được những tín hiệu lạc quan hơn so với trước. Cụ thể, bệnh nhân đã có thể tiếp cận được sớm với hệ thống y tế do có nhiều sự chi viện từ các địa phương khác, nhân viên y tế công lập và tư nhân tham gia tuyến dưới hỗ trợ tham vấn điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ tại nhà. Bên cạnh đó, số giường bệnh ở các bệnh viện thuộc tầng 2, 3 cũng tăng lên do nhiều bệnh viện quận và thành phố, công và tư đã tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.
Mặc dù vậy, từ thực tế tham gia tư vấn điều trị bệnh nhân F0 tại nhà cùng với các nhân viên y tế tầng 1, Phó Giáo sư Vũ Minh Phúc cho rằng vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc kháng viêm và chống đông sai chỉ định, bệnh nhân điều trị tại nhà vẫn chưa được theo dõi sát, chưa nhận diện được dấu hiệu trở nặng để chuyển viện kịp thời, việc chuyển viện vẫn còn chậm trễ do tuyến trên vẫn còn quá tải...
Phó Giáo sư Phúc nêu ý kiến, ngành y tế cần có những thay đổi linh hoạt hơn trong quy trình tiếp nhận bệnh nhân nặng và rất cần thiết lập hệ thống thông tin liên thông giữa các tầng điều trị để có thể thông tin kịp thời khu vực nào còn trống giường bệnh, khu vực nào có thể giải phóng bớt bệnh nhân để nhường giường cho bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Ngoài ra, Sở Y tế cũng cần phải bổ sung ngay trang thiết bị y tế để vừa đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ, vừa tăng năng lực điều trị, hạn chế tình trạng tử vong.