Ngày 5/3, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, để ngăn ngừa hành vi quảng cáo sai sự thật và gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, đơn vị đã có văn bản gửi đến các quận, huyện, đơn vị sản xuất kinh doanh và nhập khẩu mỹ phẩm tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo mỹ phẩm.
Cụ thể, đề nghị các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm và trong hoạt động quảng cáo mỹ phẩm khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định; qảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng không phù hợp hoặc vượt quá tính năng, công dụng như đã công bố tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị liên quan kiên quyết xử phạt, buộc thu hồi, loại bỏ các yếu tố vi phạm hoặc buộc tiêu hủy đối với các trường hợp thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc; tăng cường tuyên truyền, thực hiện triển khai các quy định pháp luật đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm cũng phải chủ động rà soát, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm nói chung, các quy định của pháp luật trong hoạt động quảng cáo mỹ phẩm nói riêng; chỉ được phép hoạt động quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm trên các phương tiện quảng cáo sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, đồng thời phải tuân thủ các nội dung quảng cáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, Sở Y tế khuyến cáo các đơn vị, cơ sở sản xuất và kinh doanh không được phép thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với tính năng, công dụng đã công bố hoặc có tính năng, công dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc.