An toàn cho người lao động

Chiều 26/11, Quốc hội thảo luận về Luật An toàn vệ sinh lao động. Các ý kiến phát biểu tán thành cao việc mở rộng đối tượng áp dụng (Điều 2), cho tất cả người lao động, bao gồm cả những người làm việc ở khu vực không có quan hệ lao động.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN



Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), việc mở rộng đối tượng áp dụng cho tất cả người lao động là hết sức cần thiết vì hiện có trên 65% người lao động đang làm việc tại khu vực này. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ hơn về chính sách với lao động tại khu vực không có quan hệ lao động cũng như khuyến khích họ tham gia, nhất là với người lao động làm việc tại khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao.

Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng cũng cần tính đến các vấn đề khác như bảo hiểm tai nạn lao động, nghề nghiệp; tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động; cũng như đảm bảo các quyền lợi chính đáng khác của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) nêu lên một thực tế: Từ năm 1992-2000, xảy ra bình quân 3.000 vụ tai nạn lao động, từ năm 2001-2013, bình quân mỗi năm có 6.000 vụ, trong đó có khoảng 500 vụ tai nạn chết người. Tuy nhiên, thống kê tại các cơ sở y tế, số người nhập viện do tai nạn lao động, trung bình mỗi năm có khoảng 160.000-170.000 người. Con số này sẽ còn cao hơn rất nhiều nếu tính cả khu vực không có quan hệ lao động như nông nghiệp, ngư nghiệp,…

Theo đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), người sử dụng lao động thường tìm cách giấu giếm khi có tai nạn lao động xảy ra. Vì vậy, dự thảo luật nên đưa công đoàn cơ sở tham gia điều tra tai nạn lao động. “Nếu cơ sở nào có tai nạn lao động chết người thì công đoàn cơ sở có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, Điều 31 về điều tra tai nạn lao động, nên cho phép công đoàn cơ sở tham gia trong đoàn điều tra”, đại biểu Tùng đề xuất.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các đại biểu cho rằng, người lao động phải được quan tâm, chăm sóc thực sự, nhất là với những lao động mắc bệnh nghề nghiệp. Dự thảo luật lần này cũng cần đặt mục tiêu kiểm soát bằng được bệnh nghề nghiệp cũng như nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc tổ chức, công bố về bệnh nghề nghiệp.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các quy định về vệ sinh lao động, phòng tránh bệnh nghề nghiệp trong dự thảo luật chưa tương xứng. Dự thảo luật cần quy định cụ thể về khám, phát hiện bệnh và khám lại bệnh nghề nghiệp với những đối tượng nghỉ hưu hoặc chuyển công tác vì có những bệnh nghề nghiệp phát sinh sau khi tiếp xúc rất lâu, như bệnh phổi silic, bụi phổi amiang.

Theo đại biểu Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh), hiện chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe cho 30% người lao động, khoảng 8% lao động được khám bệnh nghề nghiệp. Đây chính là nguyên nhân tồn quỹ bảo hiểm nghề nghiệp trong thời gian qua và cũng cho thấy số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp là rất thấp. Dự án luật cần quy định rõ trách nhiệm và chế tài nghiêm khắc đối với doanh nghiệp thuộc diện quy định phải tổ chức khám bệnh nghề nghiệp định kỳ cho người lao động.

Xuân Phong

Tính khả thi khi mở rộng đối tượng đảm bảo an toàn lao động
Tính khả thi khi mở rộng đối tượng đảm bảo an toàn lao động

Hiện cả nước có khoảng 53 triệu lao động, có khoảng 36 triệu lao động không có hợp đồng lao động. Tuy nhiên việc mở rộng đối tượng được đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN