Lenin tuyên bố thành lập Chính quyền Xô Viết Nga tại Đại hội các Xô Viết được triệu tập ngày 7/11/1917. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Một thế kỷ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đã diễn ra với rất nhiều thăng trầm: có cả những thành tựu to lớn đã đạt được và cả những đổ vỡ, thất bại. Từ thực tiễn này, mỗi nước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực đã đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và bước đầu xác định trên thực tế một số quy luật của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt NamTheo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Chín và Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thùy (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), đánh giá về giá trị và bài học kinh nghiệm được rút ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga,vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và các cuộc cách mạng khác trên thế giới nói chung. Cuộc cách mạng này đã để lại một số bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”.
Tượng đài V.I.Lenin tại thị trấn Chekhov, ngoại ô thủ đô Moskva, Liên bang Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo đó, bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga là, cần có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, có phương pháp cách mạng đúng đắn. Bài học này được Người vận dụng triệt để vào cách mạng Việt Nam, được chứng minh sự đúng đắn bằng thực tiễn cách mạng nước ta trong gần 90 năm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc và thấu đáo về tính triệt để của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, đó là chính quyền mà cuộc cách mạng này giành được đã thuộc về đại đa số quần chúng nhân dân lao động. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính triệt để của Cách mạng Tháng Mười Nga còn được thể hiện ở chỗ, nó đã giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột một cách triệt để và mang lại hạnh phúc, tự do, bình đẳng thực sự cho đại đa số nhân dân lao động.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, phải giải quyết đúng đắn nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đó là đánh đổ đế quốc giành độc lập dân tộc, đánh đổ phong kiến giành lại ruộng đất cho dân cày. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ khăng khít, gắn bó lẫn nhau; có mục tiêu chung là tạo tiền đề để đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Một góc thủ đô Moskva, Liên bang Nga. Ảnh: Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải tập hợp lực lượng cách mạng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh công – nông, hình thành mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, thực hiện thống nhất hành động. Thực hiện liên minh công – nông là một trong số những bài học đã được Công xã Paris – cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, kiểm nghiệm. Theo Người, “đó là sự đảm bảo chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền của nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Khi vận dụng bài học này vào thực tiễn Cách mạng Việt Nam, Người đã mang lại những thắng lợi to lớn khi xác định quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng, nhưng trong toàn thể khối đại đoàn kết đông đảo ấy phải lấy liên minh công nông làm nòng cốt.
Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sau khi giành được chính quyền, nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân là phải tăng cường nền chuyên chính vô sản để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng, triệt để xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng nên các mối quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội từ đó tiến thẳng lên chủ nghĩa cộng sản.
Nhìn lại chặng đường gần 90 năm xây dựng và trưởng thành, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính bước ngoặt lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta kiên trì sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập gắn với chủ nghĩa xã hội là tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã vạch ra.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Hữu Toàn, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận xét: 100 năm đã qua, Cách mạng Tháng Mười Nga đi vào lịch sử nhân loại với tư cách cuộc cách mạng vĩ đại nhất – cuộc cách mạng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, “mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”. Với tư cách đó, Cách mạng Tháng Mười Nga là một giá trị trường tồn trong lịch sử nhân loại. Đối với Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn là nguồn cổ vũ lớn lao, là bài học kinh nghiệm thực tiễn cho công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang quyết tâm thực hiện.
Ngọn lửa soi sáng cho sự nghiệp cách mạng LàoTheo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Thong Salit Mang No Mecck, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, một thế kỷ Cách mạng Tháng Mười Nga giành được thắng lợi, nhân loại đối mặt với nhiều thử thách. Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn là sự kiện trọng đại trong lịch sử thời đại, soi sáng cho sự nghiệp giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tiếp tục làm nguồn sức mạnh cho phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội toàn thế giới nói chung, ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nói riêng.
Sông Moskva phía trước điện Kremlin ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga. Ảnh: Ảnh: AFP/TTXVN |
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Thong Salit Mang No Mecck cho biết, sau khi đất nước Lào được giải phóng và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 1975, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào xác định phương hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội trực tiếp, không qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đây là con đường phát triển của cách mạng Lào.
Cùng với bài học xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Caysone Phomvihane, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tiếp tục triển khai duy trì lập trường lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn, đồng thời xác định mục tiêu hướng tới như Nghị quyết Đại hội Trung ương 7 khóa IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào năm 1989 đề ra là: “Làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội đoàn kết, dân chủ, công bằng và văn minh”. Cùng với đó, tại Đại hội X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào năm 2016, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào xác định rõ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là tiếp tục “nâng cao năng lực nắm quyền và tính tiên phong của Đảng, tăng cường đoàn kết quần chúng, duy trì đường lối đổi mới toàn diện và có nguyên tắc, bảo vệ và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa một cách vững chắc”.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Thong Salit Mang No Mecck cho biết: Sự nghiệp đổi mới của đất nước Lào được tiến hành toàn diện cả về kinh tế - xã hội, chính trị, duy trì 6 nguyên tắc và 9 tiền đề đảm bảo cho sự nghiệp phát triển tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo đó, các nguyên tắc tập trung duy trì mục tiêu chủ nghĩa xã hội; duy trì chủ nghĩa Mác – Lê nin và vận dụng sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của đất nước; duy trì sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ và đường lối của Đảng; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân các bộ tộc, xây dựng sức mạnh đoàn kết thống nhất toàn dân trên cả nước; tăng cường hiệu lực của hệ thống quyền lực dân chủ nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân và vì nhân dân, chống biểu hiện quan liêu trong mọi hình thức; củng cố tinh thần độc lập, tự chủ, phối hợp với sức mạnh của thời đại.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Thong Salit Mang No Mecck cho rằng, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau. Tuy nhiên, thực hiện theo mô hình nào thì phụ thuộc vào đặc thù và hoàn cảnh của mỗi nước; phụ thuộc vào tư tưởng sáng tạo trong việc vận dụng lý luận Mác – Lê nin và rút ra bài học từ mỗi quốc gia. Tiếp tục phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tiếp tục duy trì chủ nghĩa Mác Lê – nin, tư tưởng Caysone Phomvihane, truyền thống tốt đẹp của Đảng làm nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, phát huy tính tiên phong, tính giáo dục và tính đấu tranh của giai cấp công nhân, duy trì theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, phát huy dân chủ trong xã hội; tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc, tầng lớp và những công dân Lào sống ở nước ngoài có tinh thần yêu quê hương đất nước, đồng tâm với chế độ dân chủ để xây dựng cộng đồng, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng đất nước. Lào duy trì đường lối đối ngoại của Đảng “Hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác, tích cực làm chủ khuyến khích mối quan hệ hợp tác với nước ngoài đa phương, song phương, nhiều mức độ và nhiều hình thức trên nguyên tắc tôn trọng nhau và hai bên cùng có lợi”.