Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Bên lề Kỳ họp thảo luận về Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016, các đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đã có những đánh giá, nhận xét về nội dung trên.
Đánh giá cao Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng: Báo cáo đã nhìn nhận rõ những vấn đề thực tế đang phải đối diện; chỉ rõ những khó khăn và đưa ra được 8 nhóm giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đối với quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, đại biểu Bích Châu cho rằng chưa có biện pháp quyết liệt đối với vấn đề bội chi. Do đó, chưa kích thích được các tỉnh, thành phố vượt thu thì hỗ trợ và thực hiện chính sách như thế nào. Đồng thời, đối với những tỉnh, thành phố thực hiện chi ngân sách chưa đúng với quy định, lại chưa có biện pháp xử lý quyết liệt… Từ đó, đại biểu mong muốn, Chính phủ cần thực hiện tốt hơn vấn đề này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét, Báo cáo do Thủ tướng Chính phủ trình bày đã phản ánh được toàn cảnh nền kinh tế-xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2016 với những dẫn chứng, dữ liệu cụ thể, ngắn gọn, mang tính thuyết phục cao.
Đại biểu nhấn mạnh, Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ không chỉ nêu rõ những hoạch định mà còn thẳng thắn chỉ ra các tồn tại trong quá trình quản lý đầu tư công và quản lý doanh nghiệp Nhà nước ở từng ngành, từng lĩnh vực. Đặc biệt, Báo cáo không chỉ đơn thuần đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2016, mà còn như một “tuyên ngôn” của Chính phủ mới đối với việc quản trị nền kinh tế và tình hình xã hội trong thời gian tới với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, phục vụ.
Về giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề ứng phó với thiên tai cho nền nông nghiệp. Bởi đây không phải là một vấn đề ngẫu nhiên và Chính phủ đã có những hành động nhưng còn chậm. Chính phủ cần thực hiện tốt hơn nữa, dù hơn 3 tháng qua đã hành động quyết liệt và giải quyết được những vấn đề phát sinh, nhưng về nợ công vẫn đang là một thách thức rất lớn.
Do đó, Chính phủ cần xây dựng các chính sách về tài khóa, bên cạnh đó cần tích cực đẩy mạnh cải cách và cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp Nhà nước để đây thực sự là một nguồn lực hỗ trợ Chính phủ trong việc giải quyết các nguồn thu cũng như minh bạch nền kinh tế. Đồng thời, Chính phủ cần lưu tâm tới vấn đề môi trường, bởi đây là một thách thức trong quá trình phát triển hiện nay...
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32%, do hai nhóm nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân bên ngoài là do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Đặc biệt, việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã ảnh hưởng đến kinh tế châu Âu cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự diễn biến phức tạp trên Biển Đông đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Nguyên nhân bên trong là Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, làm cho ngành nông-lâm-ngư nghiệp của nước ta giảm. Bên cạnh đó, sự cố môi trường biển miền Trung do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra đã ảnh hưởng đến kinh tế nước ta...
Phân tích những khó khăn, thách thức đối với sự phát triển kinh tế-xã hội nước ta hiện nay, như vấn đề lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách..., đại biểu Trần Hoàng Ngân mong muốn, thời gian tới Chính phủ cần quyết tâm hơn nữa để giữ lạm phát ở mức ổn định và mức thấp. Bởi đây là điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô và kéo giảm lãi suất, từ đó hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phát triển.
Đồng thời, Chính phủ cần thực hiện kỷ luật ngân sách một cách nghiêm minh để đảm bảo giữ trần nợ công theo mức Quốc hội cho phép hiện nay (tức là không vượt quá 6,5%). Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt đối với các hộ nghèo, cận nghèo; có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, góp phần tăng năng suất lao động và tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế…