Bảo đảm các chính sách xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Sáng 13/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết số 70/NĐ-CP về chính sách xã hội cùng dự.

Chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các chính sách xã hội


Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP, Nghị quyết 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 là một chủ trương lớn của Đảng, hợp lòng dân, làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành, người dân trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách đối với người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội.

Chính phủ và các bộ, ngành đã quán triệt nghiêm túc, triển khai tích cực, xây dựng chương trình hành động hết sức toàn diện, cụ thể; bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết, thể chế hóa thành luật pháp, chính sách, cơ chế; xác định lộ trình, bước đi phù hợp để chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Mặc dù giai đoạn 2012-2015 còn nhiều khó khăn, Quốc hội, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên nguồn lực, tập trung chỉ đạo đối với các chính sách xã hội, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận tại hội nghị. Ảnh: Đức Tám – TTXVN


Các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai Nghị quyết 70/NQ-CP, đưa các chính sách vào cuộc sống; tích cực, chủ động huy động nguồn lực. Nhiều địa phương đã nâng mức trợ giúp cao hơn mức chung của cả nước, có nhiều mô hình bảo đảm an sinh xã hội hiệu quả. Nguồn lực xã hội tham gia vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội tăng, chủ trương xã hội hóa trong thực hiện các chính sách xã hội, giảm nghèo và an sinh xã hội thực hiện tốt hơn.

Giai đoạn 2012-2015 đã có sự thay đổi trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội của nước ta. Hệ thống chính sách, pháp luật tiếp tục mở rộng hơn quyền hưởng, mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội và an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy mới thực hiện được 3 năm, việc thực hiện Nghị quyết đã đạt được những kết quả và chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt khá, hoàn thành vượt thời gian. Các mục tiêu khác của Nghị quyết đều có khả năng hoàn thành vào năm 2020.

Đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng, người nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Theo thống kê, đến nay, cả nước có hơn 1,3 triệu người có công đang được hưởng trợ cấp hàng tháng, tăng 94.000 người so với năm 2012; 50.280 người đã được hưởng trợ cấp một lần; tăng thêm 400 lượt người được hưởng điều dưỡng hàng năm; xác nhận thêm 639 liệt sỹ, 5.440 thương binh, 1.335 bệnh binh, giảm đáng kể tồn đọng từ trước đến nay. .062 hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở.

Giai đoạn 2012-2015, bình quân mỗi năm khoảng 1,6 triệu lao động có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp chung tiếp tục giảm, từ 2,18% năm 2012 xuống còn 2,08% năm 2014, đạt chỉ tiêu Nghị quyết.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 đã giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn 5,97% cuối năm 2014, bình quân mỗi năm giảm 2%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,97% cuối năm 2011 xuống còn 32,59% cuối năm 2014, bình quân mỗi năm giảm trên 5%. Dự kiến, đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước còn dưới 5%, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm còn dưới 27%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Chính sách xã hội đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội trong thời gian qua. Việt Nam đã bảo đảm tiến độ thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp nước sạch, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 70/NQ-CP vẫn còn một số hạn chế: Hệ thống chính sách an sinh xã hội còn tản mạn, thiếu tính hệ thống và kết nối. Nhận thức, quan điểm về an sinh xã hội còn khác nhau ở một bộ phận cán bộ và người dân, trong khi công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách luật pháp còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức, triển khai thực hiện và kết quả đạt được chưa đồng đều ở các địa phương. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức trong bố trí nguồn lực cho an sinh xã hội. Chủ trương xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân còn nhiều hạn chế. Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội và hệ thống quản lý chưa xây dựng được nên công tác quản lý, tổ chức thực hiện chính sách xã hội còn nhiều khó khăn.

Giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP xác định định hướng: tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp về ưu đãi người có công với cách mạng và an sinh xã hội; tăng nguồn lực cho các chính sách xã hội, huy động các nguồn lực trong cộng đồng; cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chính sách xã hội ở các cấp, đáp ứng nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 15-NQ/TW, đặc biệt là các mục tiêu: tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ dân số đạt trình độ phổ thông trung học; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch…

Tiếp tục rà soát, thực hiện từng lĩnh vực cụ thể

Hội nghị tập trung thảo luận về những kết quả đã đạt được, chỉ ra các hạn chế, xác định nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt hơn nghị quyết của Trung ương. Theo đó, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu, trình Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật: Bảo hiểm xã hội, Việc làm, Giáo dục nghề nghiệp...; sớm ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tập trung vào phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều; xây dựng hệ thống cứu trợ đột xuất từ trung ương đến địa phương. Chính phủ cần tập trung nguồn lực hỗ trợ đối với các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, bãi ngang ven biển; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ Trung ương đến địa phương; rà soát lại quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách xã hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn xã hội đã hết sức quan tâm, cụ thể hóa Nghị quyết 15-NQ/TW bằng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, huy động các nguồn lực tham gia, đạt được những kết quả tốt. Nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu; nhiều chỉ tiêu có khả năng hoàn thành mục tiêu vào năm 2020. Đây là kết quả nỗ lực chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh, chính trị, tạo được sự đồng thuận, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Chỉ rõ những hạn chế, bất cập cần khắc phục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện Nghị quyết một cách quyết liệt, cụ thể. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện ngiêm túc Nghị quyết 15-NQ/TW và Nghị quyết 70/NQ-CP, chăm lo tốt đời sống nhân dân đối với 10 lĩnh vực thuộc 6 nhóm chính sách mà Nghị quyết đã đề ra. Từ nhận thức đúng đắn, các cấp, các ngành cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng của các cấp, các ngành, và toàn hệ thống chính trị. Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, trong đó chỉ ra những kết quả, hạn chế, đưa ra mục tiêu, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, với tinh thần giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành chức năng để cùng chung tay thực hiện tốt các chính sách xã hội.

Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống không chỉ bằng chủ trương mà cần bằng các chính sách cụ thể. Các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục rà soát từng lĩnh vực cụ thể trong số 10 lĩnh vực thuộc 6 nhóm chính sách đã được Nghị quyết 15-NQ/TW đề ra. Những chính sách còn phù hợp cần tiếp tục khẳng định, những chính sách chưa phù hợp cần sửa đổi bổ sung. Từng lĩnh vực cần có sơ kết riêng để xác định nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới một cách xác thực, cụ thể - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền giáo dục, tạo sự đồng thuận xã hội quan tâm dành nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội. Nguồn lực thực hiện chủ yếu thông qua ngân sách nhà nước; việc tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài (ODA, các chương trình viện trợ...); huy động các nguồn lực xã hội hóa (doanh nghiệp, tổ chức...) và sự đóng góp của người dân. Các địa phương cần tiếp tục huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung cho việc thực hiện các chính sách xã hội.

Đồng thời, các bộ ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội. Những nơi làm tốt cần được khen thưởng, động viên kịp thời, nhân rộng. Các nơi làm chưa tốt cần phê bình, góp ý, xử lý để việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ngày càng tốt hơn...

Phúc Hằng (TTXVN)
Rà soát chính sách dân tộc
Rà soát chính sách dân tộc

Theo Báo cáo kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2006-2014 của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có 130 chính sách dân tộc được thể hiện qua 177 văn bản tại 37 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và 140 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN