Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao vai trò của Thái Lan trong ASEAN; đồng thời chúc mừng nước chủ nhà đã tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử và thành lập Chính phủ mới. Đại tướng Ngô Xuân Lịch tin tưởng rằng, dưới sự trị vì của Nhà vua Rama X, cùng với sự điều hành của Chính phủ mới, Thái Lan sẽ tiếp tục phát triển ổn định, hợp tác hai nước sẽ phát triển hiệu quả và thực chất hơn.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng chúc mừng Bộ Quốc phòng Thái Lan trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã tổ chức thành công một loạt hội nghị quốc phòng - quân sự. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng các sự kiện tiếp theo do Thái Lan tổ chức sẽ thành công tốt đẹp. Thái Lan sẽ góp phần duy trì sự đoàn kết và giữ vai trò dẫn dắt ASEAN trong việc thúc đẩy các hợp tác quốc phòng - quân sự ngày càng hiệu quả”. Việt Nam ủng hộ các sáng kiến của Thái Lan trong năm Chủ tịch, trong đó có thảo luận về vấn đề đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing); ảnh hưởng về an ninh và vai trò của lực lượng vũ trang, các cơ quan quốc phòng; dự thảo đánh giá các sáng kiến trong ADMM nhằm đảm bảo hợp tác thực chất; dự thảo Tài liệu Khái niệm về vai trò của các cơ quan quốc phòng và lực lượng quân đội các nước ASEAN trong hỗ trợ quản lý biên giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan cảm ơn và đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam đối với Thái Lan trong vai trò Chủ tịch ASEAN trong suốt thời gian qua, đồng thời khẳng định sẽ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 vì lợi ích chung của khu vực. Chính phủ mới của nước này sẽ tiếp tục coi trọng việc thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, trong đó có tăng cường hợp tác quốc phòng.
Hai Bộ trưởng cho rằng kể từ sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan tới Việt Nam hồi tháng 1/2019, quan hệ quốc phòng hai nước đã có những bước phát triển tích cực, đặc biệt là trong trao đổi đoàn các cấp, hợp tác giữa các quân, binh chủng, các cơ quan nghiên cứu và tại các diễn đàn đa phương.
Về phương hướng hoạt động trong thời gian tới, hai Bộ trưởng cho rằng bên cạnh việc tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, hai bên cần tăng cường thúc đẩy hợp tác; trong đó tập trung vào một số nội dung như hậu cần, gìn giữ hoà bình, khắc phục hậu quả bom mìn, quân y, thực thi pháp luật trên biển...
Về hợp tác đa phương, hai bên nhất trí phối hợp, hợp tác, tăng cường tham vấn, ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế đa phương về quốc phòng-quân sự mà hai bên là thành viên.